Xử lý 12 dự án yếu kém: Nan giải hợp đồng EPC

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/05/2019 11:17 GMT+7

Bộ Công thương cho rằng với 12 dự án yếu kém thì phải tập trung cao để xử lý dứt điểm các vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC , làm cơ sở để dứt điểm việc quyết toán hoàn thành dự án

Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. Trong đó, đáng chú ý là liên quan đến xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ, Bộ Công thương cho biết khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ xử lý tranh chấp tại các hợp đồng EPC (hợp đồng tổng thầu).
Cụ thể, trong 8 dự án, doanh nghiệp có vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC (gồm Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi; Dự án nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Công ty đóng tàu Dung Quất; Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên) thì ngoại trừ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã cơ bản xử lý xong.
7 dự án, doanh nghiệp còn lại vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra. Thậm chí, gần một nửa trong số này không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Trong đó, đối với 3 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 - Lào Cai: Do các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp.
Đối với 4 dự án còn lại vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp nhưng chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và các giải pháp xử lý cuối cùng. Trong số này thì tương lai khó khăn nhất phải nhắc tới dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên.
Đây là dự án đầu tư đang thi công xây dựng dở dang, được khởi công từ tháng 9.2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ đầu năm 2013 do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn vì dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao. Mặt khác, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư và Tổng thầu MCC của Trung Quốc đã phát sinh nhiều vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn.
Chủ đầu tư đã phối hợp với tư vấn giám sát tích cực làm việc với nhà thầu MCC, các nhà thầu phụ Việt Nam để rà soát chốt số liệu khối lượng các công việc đã thực hiện, xác định khối lượng công việc cần triển khai tiếp. TISCO cũng đã hoàn thiện dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của dự án với Tổng thầu MCC đang trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến để tiếp tục đàm phán với nhà thầu.
Tương tự, dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc dù đã hoàn thành báo cáo tự quyết toán dự án và đã thuê tư vấn kiểm toán độc lập thẩm định, tuy nhiên do còn có một số ý kiến ngoại trừ trọng yếu làm ảnh hưởng đến giá trị quyết toán dự án nên việc quyết toán dự án sẽ khó hoàn thành theo kế hoạch và dự kiến việc quyết toán sẽ được hoàn thành sau khi có phán quyết của Tòa đối với tranh chấp Chủ đầu tư với nhà thầu EPC. Hay dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi, do chưa chạy thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải nên chưa đủ điều kiện để quyết toán Hợp đồng EPC và tiến tới quyết toán dự án;
Do vậy, Bộ Công thương coi việc xử lý vướng mắc họp đồng EPC là “nhiệm vụ quan trọng, phải tập trung xử lý được trong thời gian sớm nhất”. Bộ này đề xuất các giải pháp chủ yếu phải triển khai là các tập đoàn, tổng công ty rà soát, cập nhật, đánh giá kỹ lại các vấn đề cụ thể còn đang vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của dự án; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể công việc cần thực hiện để xử lý các vấn đề nêu trên. Cùng với đó cần thuê đơn vị tư vấn luật và tham vấn Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan để sớm xử lý dứt điểm. Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba (cơ quan trọng tài) để phân xử.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.