Xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước là lợi bất cập hại

13/11/2015 18:58 GMT+7

(TNO) Đây là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), khi phát biểu tại nghị trường chiều nay 13.11, về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.

(TNO) Đây là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), khi phát biểu tại nghị trường chiều nay 13.11, về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.

Nguyen-Thi-Nguyet-HuongĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Trước đó, tại tờ Tờ trình về dự luật này, Chính phủ đề nghị đưa việc xoá nợ thuế vào dự luật Quản lý thuế (sửa đổi) “để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại”.

Theo ĐB Nguyệt Hường, đưa quy định xóa nợ thuế vào dự luật Quản lý thuế (sửa đổi) có thể tạo thành chính sách thường xuyên, gây ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Theo phân tích của bà Nguyệt Hường, về mặt kỹ thuật, việc cho các DNNN được xoá nợ thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt có thể làm quá trình cổ phần hoá, giao, bán, khoán được tiến hành thuận lợi hơn đôi chút khi các chỉ số tài chính trở nên đẹp hơn. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm cho giá trị doanh nghiệp không được xác định đúng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư hoặc người tiếp quản tiếp theo; tạo cơ hội cho các DNNN hiện đang thuộc danh sách sắp xếp lại cố tình trì hoãn, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, hoặc cố tình không kê khai số tiền nợ thuế trong giá trị của doanh nghiệp.

Phương án này cũng sẽ “tạo tâm lý trông chờ nhằm được hưởng chính sách xóa nợ thuế. Do đó, tiến trình cổ phần hoá, giao, bán, khoán có lý do để lại tiếp tục chậm trễ, kéo dài”, bà Hường cảnh báo.

Theo bà Hường, nếu các DNNN đã không còn đủ khả năng tồn tại trên thị trường, kinh doanh thua lỗ và thâm hụt vào vốn của Nhà nước thì khi cổ phần hoá, các DNNN cần phải xác định đúng giá trị thật còn lại, hoặc có thể áp dụng luật Phá sản doanh nghiệp để giải quyết, mà không cần áp dụng chính sách xoá nợ thuế.

“Một nền kinh tế khoẻ mạnh cần những tế bào doanh nghiệp khoẻ mạnh thực sự. Và cũng như nhiều ĐBQH khác, tôi cho rằng, việc thiết lập nên những tế bào khoẻ mạnh thực sự này sẽ bắt đầu từ việc hoạch định chính sách từ chính nghị trường Quốc hội của chúng ta”, bà Hường bày tỏ quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.