Xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là cần thiết

11/07/2020 08:54 GMT+7

Sáng hôm qua (10.7), Ban Kinh tế T.Ư đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 xác định chủ trương: “Xem xét để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa T.Ư và TP.HCM”.
Thực tế, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách T.Ư và TP.HCM giảm mạnh từ 33% giai đoạn 2000 - 2003, xuống còn 23% giai đoạn 2011 - 2016 và giai đoạn 2017 - 2020 chỉ còn 18%. Điều này ảnh hưởng đến thu ngân sách của TP, thiếu nguồn lực để giải quyết các thách thức và bảo đảm TP phát triển nhanh, bền vững cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển đã nêu tại Nghị quyết số 16. TP.HCM đã đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết trong giai đoạn 2022 - 2030 theo lộ trình bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở tăng thu ngân sách của TP và ngân sách TƯ.

Bức tranh kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 nhìn từ những con số

Hoàn toàn ủng hộ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM đã được nêu trong Nghị quyết 16 và Kết luận 21. Do vậy, xuất phát từ các nghị quyết của Đảng cũng như tình hình thực tế của TP đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội phát triển, Ban Kinh tế T.Ư ủng hộ và cho rằng việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là cần thiết. Việc giảm ngân sách TP thời gian qua là sự chia sẻ rất lớn đối với khó khăn chung của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, Trưởng ban Kinh tế T.Ư lưu ý việc điều chỉnh tăng phù hợp tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, hiệu quả, bền vững; làm rõ các quy định, cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của TP. Đồng thời, đề nghị sớm có nghiên cứu, đánh giá và đề xuất cơ chế điều tiết ngân sách giữa T.Ư và địa phương phù hợp với thông lệ quốc tế; tỷ lệ phân chia các nguồn thu nên áp dụng theo từng loại thuế, quy mô và đặc thù của địa phương...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.