'Xé rào' lãi suất để thu hút đầu tư vào dự án PPP

05/09/2018 06:56 GMT+7

Đề xuất bỏ quy định khống chế lãi suất tại các dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) của Bộ Tài chính nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư mới, thay thế Thông tư số 55 quy định nội dung về quản lý tài chính đầu tư đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.
Để thị trường quyết định
Một trong những điểm đáng chú ý nhất là bỏ quy định khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP, để mức lãi suất do thị trường quyết định. Theo đó, nhà đầu tư tự quyết huy động nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo tính cạnh tranh để có thể đấu thầu, nhà nước không can thiệp. Mức lãi suất vốn vay trong hợp đồng dự án sẽ được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn. Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất sẽ do cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định nhà đầu tư chịu trách nhiệm quyết định.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận xét việc áp trần lãi suất chính là “nút thắt” khiến các nhà đầu tư e ngại không muốn tham gia cùng nhà nước thực hiện các dự án công - tư. Với mỗi loại dự án (BT, BOT hay BTO, BOO...), mỗi công trình thuộc từng vị trí, địa phương khác nhau sẽ có đặc thù riêng, nhà đầu tư sẽ phải tính toán mức lãi suất sao cho hài hòa, thời gian thu hồi vốn hợp lý. Vì thế không thể thống nhất, đưa ra một mẫu số chung về trần lãi suất, không thể định được lãi suất trong một nền kinh tế thị trường.
Đồng tình, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích lãi suất đầu tư tùy thuộc vào quy định của hệ thống ngân hàng, dựa theo thị trường tiền tệ, tín dụng. Theo quy định hiện hành, mức lãi suất tính cho các nhà đầu tư theo hình thức PPP bằng 1,5 lần lãi suất của trái phiếu, tương đương khoảng 7,2 - 7,5%/năm. Tuy nhiên, thực tế phần lớn các nhà đầu tư hiện nay đều vay ngân hàng theo kiểu hợp vốn nhiều ngân hàng, có vay 1 ngân hàng thì lãi suất thấp nhất cũng là 9%. Như vậy, doanh nghiệp nghiễm nhiên khi tham gia dự án PPP phải bù vốn ít nhất 1,5 - 2% cho mỗi dự án. “Tiền đâu ra mà bù. Ngay cả 9% cũng chưa chắc giữ ổn định, còn nhiều rủi ro dài hạn khiến các nhà đầu tư e ngại. Thông lệ quốc tế cũng không có quy định này”, ông Nghĩa khẳng định.
Quan trọng nhất vẫn là minh bạch
Tuy nhiên, ông Lưu Bích Hồ cũng lưu ý bỏ không có nghĩa là buông hẳn, muốn bao nhiêu cũng được. Cần có cơ sở tính toán vừa phải, phù hợp với thời gian thu hồi vốn của từng dự án. Nhà nước không khống chế trực tiếp bằng lãi suất, nhưng cũng phải có quản lý thông qua các mối tương quan, đảm bảo lợi ích cho nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường Đại học Fulbright, cho rằng trong nền kinh tế thị trường, lãi suất sẽ được tính toán theo lý thuyết cơ cấu vốn, có khung tham chiếu cho từng nhóm dự án. “Khi nhà nước không còn khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính, rủi ro sẽ tương ứng với suất sinh lời, xé “rào” thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia mô hình hợp tác này. Việc cần làm là tạo cơ chế chống lợi ích nhóm, chống kết cấu thông qua đấu thầu công khai, minh bạch hóa toàn bộ phương án tài chính, các chi phí đầu tư, xây dựng và phương án hoàn vốn”, ông đề xuất.
Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định hợp tác công - tư là một trong những sáng kiến về mặt tài chính để tài trợ cho các công trình công. Tuy nhiên, bất cứ dự án nào có sự xuất hiện của Chính phủ, tạo cơ chế xin - cho đều là cơ hội tốt để nảy sinh tham nhũng, lợi ích nhóm. Vì thế, cần có một cơ quan trung gian độc lập đứng ra kiểm soát, giám sát đảm bảo môi trường đầu tư công khai, minh bạch.
Góp ý thêm để hoàn chỉnh dự thảo quy định về quản lý tài chính đầu tư đối với các dự án PPP, ông Nghĩa nhấn mạnh ngoài bỏ khung lãi suất đầu vào, còn 4 vấn đề cần thực hiện theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất, phải có một công ty, đơn vị đứng ra bảo lãnh cho những rủi ro của Chính phủ. Đơn cử như việc giải phóng mặt bằng chậm trễ, kéo dài năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí của dự án, giảm thu hút đối với các nhà đầu tư. Tiếp đến, phải có bảo lãnh về tỷ giá hối đoái để tránh việc tăng tỷ giá khiến nhà đầu tư bị lỗ. Bên cạnh đó, cần cơ quan bảo lãnh về doanh thu của dự án, đặc biệt đối với các dự án BOT xây cầu, làm đường, phòng trường hợp mật độ phương tiện lưu thông giảm, không đạt được theo kế hoạch gây thất thu đối với doanh nghiệp. Cuối cùng, cũng giống như bỏ trần lãi suất đầu vào, nhà nước không nên khống chế lợi nhuận mà cần theo nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.