Robusta chiếm khoảng 97% sản lượng cà phê của Việt Nam và chiếm gần một nửa tổng nguồn cung cà phê của thế giới. Tháng Tư năm nay, giá xuất khẩu cà phê toàn cầu rớt xuống mức thấp nhất chưa từng thấy kể từ năm 2006 – không cao hơn bao nhiêu so với giá thu mua tại vườn  quanh mức 30.000 đồng/kg mà phần lớn nông dân trồng Robusta ở Việt Nam đang nhận được. Ở mức giá này, nông dân khó có thể trang trải chi phí đầu tư, nói chi đến chuyện có lời. Thực tế này đe dọa tương lai của một trong những ngành công nghiệp lớn nhất Việt Nam và sinh kế của hàng triệu người phụ thuộc.

Tình thế còn tệ hơn nữa khi các vùng trồng cà phê ở Việt Nam đang phải hứng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Một báo cáo do Đại học Nam Queensland (USQ) hợp tác với Dự án DeRisk Đông Nam Á công bố hồi đầu năm nay cho biết loại cà phê mang cái tên từng thích hợp với nó – Robusta (nghĩa là khỏe mạnh) thật ra kém mạnh khỏe và dễ bị tác động bởi nhiệt độ ấm lên hơn ta tưởng, làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như khiến chúng dễ nhiễm bệnh hơn nhiều.

Với tin tức ảm đạm này, nhiều người đang xem xét liệu đã đến thời điểm cho một sự thay đổi không thể tránh khỏi hay chưa. Nhiều người đã nhận ra nó đang đến và một sự chuyển đổi ngấm ngầm tập trung vào việc cải thiện khả năng chống chịu những thay đổi môi trường và biến động kinh tế của ngành cà phê của Việt Nam đã được một số hộ nông dân tiến hành.

Giống như nhiều nông dân Việt khác, Du Lick Mul lo lắng cho trang trại của gia đình và khả năng các thế hệ tương lai có thể tiếp tục trồng cà phê và lấy đó làm sinh kế để có một cuộc sống ổn định. Tự hào là một thành viên của cộng đồng dân tộc thiểu số K’ho ở địa phương và có bằng nông lâm kết hợp, anh thừa nhận một lĩnh vực có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đã bị bỏ qua quá lâu. “Chúng ta cần học lại những giá trị truyền thống của mình và làm sống lại sự tôn trọng tính thiêng liêng của tự nhiên mà chúng ta đã từng có”, anh nói. Nói cách khác, để duy trì ngành này, anh tin rằng cần phải tiến hành bước chuyển sang các phương thức canh tác hữu cơ và quan tâm hơn đến hệ sinh thái.

Du Lick nói rằng hầu như tất cả nông dân trong vùng không thực sự hiểu biết nhiều về các hóa chất trong nông nghiệp và cho rằng dùng càng nhiều thuốc càng tốt. “Hiện nay, những lợi ích của việc quan tâm đến môi trường hiếm khi được xem xét và hầu như người ta luôn tập trung tăng năng suất và lợi nhuận trước mắt”, anh nói. Các nghiên cứu gần đây đã khẳng định rằng trong dài hạn, không có mối tương quan giữa tỉ lệ phân bón hóa học và năng suất. Trái lại, việc lạm dụng hóa chất sẽ chỉ đẩy nhanh tốc độ thoái hóa đất và làm tăng nhu cầu sử dụng một lượng hóa chất nhiều hơn, tiếp tục làm giảm lợi nhuận biên.

Việc nông dân trồng cà phê Việt Nam lạm dụng hóa chất vẫn tiếp diễn vì một vài lý do, tuy nhiên, nguyên nhân chính là do phân bón được trợ giá quá nhiều. Điều này củng cố thói quen của nông dân là dùng hết mức lượng phân bón có thể mua được, bất chấp những thiệt hại về lâu dài. Theo anh Du Lick, nếu suy xét mức giá hiện tại, bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để chuyển sang các phương pháp canh tác bền vững hơn.

Trong nỗ lực chứng minh cho cộng đồng về các ý tưởng của mình và giá trị của việc canh tác có trách nhiệm với môi trường và hệ sinh thái, Du Lick đã áp dụng trên một mảnh vườn nhỏ các kiến thức về nông lâm kết hợp và kinh nghiệm nhiều năm làm việc trên các rẫy cà phê gần làng của mình.

Hệ thống canh tác khép kín quy mô nhỏ của anh, kết hợp với trồng xen canh các loại đậu và tận dụng vỏ cứng, vỏ lụa của chúng làm phân bón hữu cơ là những cách làm từng rất phổ biến khắp các vùng nông thôn Việt Nam nhưng chúng đang dần biến mất. Dù cho anh có trình độ chuyên môn, hiểu biết và tầm nhìn dài hạn, anh nói đó vẫn là một cuộc đấu tranh không ngừng để thuyết phục cộng đồng lớn hơn từ bỏ hóa chất và nhận ra rằng họ cần phải xem lại và học hỏi từ tổ tiên của mình như là cách thức hiệu quả hướng đến tương lai.

Bất chấp sự lần lữa của nhiều hộ nông dân, có một sự thay đổi tư duy đang diễn ra ở thượng tầng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD), Việt Nam có kế hoạch trở thành một trong những nước sản xuất hữu cơ hàng đầu thế giới trước năm 2030, mặc dù hiện tại có chưa đến 1% diện tích đất trồng có thể được chứng nhận hữu cơ. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, cần sử dụng từ 7-10% diện tích đất canh tác. Và để chuyển đổi có hiệu quả, các hộ nông dân phải hiểu và chấp nhận các loại hình canh tác thay thế cần đến.

Mục tiêu của Du Lick là thúc đẩy sự chuyển dịch này và hỗ trợ để đồng bào anh chuyển sang các phương thức canh tác hoàn toàn hữu cơ để bảo vệ môi trường, sản xuất hạt cà phê Robusta đạt tiêu chuẩn cao hơn và có được thu nhập ổn định hơn cho cộng đồng của anh. Tuy nhiên, kiểu thay đổi hành vi này cần có thời gian và sự kiên trì để tiếp tục. Nhưng thị trường đang ngày càng đòi hỏi hơn thì khả năng rất cao là việc khuyến khích nông dân xem xét các phương thức khác nhau cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Cà phê Robusta tương đối dễ trồng và cho năng suất cao, tuy nhiên, do có vị đắng và gắt hơn nên nó ít được ưa chuộng, đặc biệt là khi so sánh với Arabia có vị dịu hơn và được mọi người chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng mới cho thấy nhận thức trên có thể thay đổi, và Robusta có thể sẽ tăng giá, nhất là bằng việc cải tiến những phương thức chế biến có tiếng là thô sơ đang được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Future Farm Coffee, một hợp tác xã ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, đang hoạt động không mệt mỏi để nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê Robusta do họ sản xuất và đẩy mạnh nhu cầu cà phê Việt Nam trên toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Tới, CEO của Future Farm Coffee, nói rằng cách tiếp cận kinh doanh này nghĩa là họ “hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những năm giá cả thị trường biến động trước đó cũng như sự sụt giảm gần đây”. Miễn là họ có thể cung cấp được lượng hàng theo hợp đồng đã ký, một điều trong tầm tay, họ có thể đảm bảo những nông dân làm việc với họ được trả đúng số tiền đã thỏa thuận.

Thay vì bán cà phê nhân chưa rang trên thị trường hàng hóa bán buôn, Future Farm giao dịch trực tiếp với khách hàng của họ. Cách duy nhất để làm điều này, theo ông Tới, là đảm bảo một sản phẩm cao cấp và ổn định chất lượng bắt đầu bằng việc có các tiêu chuẩn cao hơn nhiều trong suốt quá trình thu hoạch và chế biến sau thu hoạch. Không giống như phần lớn các hộ nông dân, Future Farm chỉ hái lựa những hạt chín và ngay sau khi hái, chúng sẽ nhanh chóng được chuyển đến nhà kính chuyên dụng để đảm bảo một môi trường có thể kiểm soát cho thời gian khô nhanh hơn và chắc chắn hơn.

Hầu hết các hộ nông dân không thể đầu tư các hệ thống như vậy, thay vào đó, họ phơi cà phê ngoài trời, để chúng tiếp xúc với các yếu tố môi trường. Ông Tới nói, “bằng cách kiểm soát và đẩy nhanh giai đoạn này (giai đoạn phơi), chúng tôi có thể làm giảm tỉ lệ hư hỏng và hạn chế nấm mốc phát triển, đồng thời giữ được trọn vẹn hương vị nguyên chất từ hạt Robusta”. Với việc đảm bảo một sản phẩm cao cấp, họ có thể đòi hỏi ở khách hàng một mức giá cao hơn nhiều.

Vào thời điểm mà hầu hết nông dân trồng cà phê độc lập đang phải vật lộn để kiếm sống, các đối tác của Future Farm - bao gồm 10 trang trại với trên 42 ha - đã có thể đảm bảo thu nhập cao hơn và chắc chắn hơn. Các hợp đồng dao động từ mức 80.000 - 150.000 đồng/kg, tức là tùy vào đơn đặt hàng, đôi khi họ có thể bán được giá hơn bốn lần giá bán buôn hiện tại.

Ông Tới cho biết thị trường Việt Nam đang dư thừa nguồn cung cà phê có giá bán thấp, và trong khi Future Farm có nhu cầu ổn định từ nhiều quán cà phê và các nhà rang xay trong nước, vẫn rất khó để mở rộng thị phần nội địa. Thay vào đó, họ tập trung vào việc mở rộng ra các thị trường quốc tế ở các quốc gia như Nhật Bản, Đức, Bỉ và Mỹ - nơi họ nhận thấy nhu cầu vị cà phê mạnh của hạt Robusta đang tăng lên.

Đại dịch năm nay không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ nhưng đã khiến các kế hoạch đi Châu Âu và các cuộc gặp mặt quan trọng trực tiếp với khách hàng mới và tiềm năng bị tạm dừng. Trong vài năm tới, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng mạng lưới cung ứng toàn cầu, họ cũng có kế hoạch bắt đầu thoát khỏi sự phụ thuộc vào phân bón hóa sinh - một phần là do đòi hỏi của các thị trường nước ngoài này. Tuy nhiên, sự cải cách này sẽ cần thời gian, vì một trong những thách thức lớn nhất của họ ở thời điểm này là việc duy trì chất lượng và kiểm soát các quy trình.

Để bước đầu được chấp nhận là thành viên của Future Farm Coffee, các hộ nông dân phải chứng minh rằng họ có thể đáp ứng các điều kiện tiên quyết nghiêm ngặt về điều kiện chung của trang trại, phương thức canh tác và tiêu chuẩn đối với sản phẩm cuối cùng, tại thời điểm thu hoạch. Mặc dù có rất nhiều nông dân sẵn sàng tham gia, hầu hết bị từ chối vì họ không thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe này.

Để hỗ trợ các đối tác hiện tại của mình và đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, Future Farm thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra và đào tạo nhằm nâng cao hiểu biết của nông dân về các quy trình và về chất lượng của sản phẩm cuối cùng. Ông Tới nói rằng ông “nhận thấy nông dân đã sẵn sàng hơn trong việc nỗ lực hơn nữa một khi họ đã có cơ hội thử và cảm nhận sự khác biệt giữa Robusta thông thường và Robusta chất lượng”.

Trở thành một phần của cộng đồng chung với những nông dân khác, trải nghiệm sự thay đổi và cùng làm việc hướng tới mục tiêu chung có nghĩa là họ cũng có được một mạng lưới quan trọng để chia sẻ kỹ thuật, chia sẻ câu chuyện, giúp các thành viên tránh lặp lại những sai lầm tương tự và thúc đẩy sự đổi mới cho cộng đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, người sáng lập Mekong Organics, một tổ chức có trụ sở tại Úc với hoạt động chính là hỗ trợ các hệ thống dựa vào tri thức khắp các vùng nông thôn Việt Nam, xác nhận sự cần thiết của mạng lưới hỗ trợ để cung cấp kiến thức và hướng dẫn, như là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính bền vững và cho bất kỳ sự thay đổi thành công nào.

Ông nói: “Không có một giải pháp duy nhất cho sự bền vững, mà nó phải luôn bao gồm sự sẵn sàng học hỏi, đổi mới và chấp nhận rủi ro”. Theo kinh nghiệm của ông, vốn là một nhà giáo dục sinh thái học và người hỗ trợ thay đổi, những nông dân thành công nhất luôn là những người có thể học hỏi từ những sai lầm - của chính mình hoặc của người khác - và có thể thích ứng nhanh chóng.

Tiến sĩ Kiền nói rằng mặc dù “nông dân Việt Nam rất giỏi và có thể nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất, họ thường cần sự giúp đỡ khi phải chuyển sang các phương thức canh tác và kinh doanh khác”, chủ yếu do thiếu kiến thức và kỹ năng. Tổ chức của ông cung cấp hướng dẫn cho các thành viên muốn chuyển sang các phương pháp canh tác hữu cơ và sinh thái, đồng thời kết nối họ với các tổ chức quốc tế và các thị trường mới giúp họ có thêm kiến thức. Sau đó họ có thể chia sẻ hiểu biết có giá trị này cho cộng đồng của họ ở địa phương, hỗ trợ những người này có thêm thông tin để có thể đưa ra các quyết định dài hạn.

Ông Kiền đã làm việc ở Việt Nam được gần 20 năm, mặc dù ông chỉ bắt đầu khảo sát việc trồng cà phê cùng với Mekong Organics kể từ năm 2019. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản trong việc thay đổi hành vi vẫn không đổi, bất kể đối tượng là ai. Ông nói rằng dù cho đó là thói quen của nhiều nông dân, thì “việc trồng cà phê theo lối thâm canh và việc các chi phí đầu vào khó tránh khỏi việc gia tăng, làm giảm lợi nhuận trong thực tế”  

Thông thường, khó có thể nhận ra sự bất bình thường này vì các biến số thuộc về tự nhiên và kinh tế không ngừng thay đổi. Điều quan trọng nhất, theo ông, là mỗi người nông dân có thể nhận ra khi nào mọi thứ không còn hiệu quả và chuẩn bị để đổi mới, hành động nhanh chóng và thích ứng với các quy trình mới. Điều quan trọng cần nhớ là không có kỹ thuật tốt nhất hay giải pháp duy nhất - mỗi vùng và hệ sinh thái sẽ có những thách thức riêng của chúng.

Mekong Organics chỉ là một trong số các tổ chức và cá nhân đang nổi lên nhằm tìm cách bảo vệ môi trường và củng cố kỹ năng và kiến thức cho nông dân Việt Nam. Vẫn còn phải xem sự chuyển đổi canh tác này sẽ lan rộng cỡ nào và với tốc độ ra sao, nhưng một điều chắc chắn là - sự xuất hiện của một phong trào theo định hướng bền vững như vậy chỉ có thể là một điều tốt cho tương lai của ngành cà phê quan trọng và có quy mô lớn của Việt Nam.

Báo Thanh Niên
10.01.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.