'Vượt lên người khổng lồ'

29/10/2018 07:30 GMT+7

Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát thể hiện qua cuốn sách Competing with Giants (Vượt lên người khổng lồ) vừa được ForbesBooks xuất bản.

Những phân tích về Tân Hiệp Phát được đề cập trong cuốn sách là một minh chứng thuyết phục cho thấy các doanh nghiệp (DN) Việt có thể vươn lên và cạnh tranh thành công được với các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa với vô vàn thách thức. Tác giả, doanh nhân Trần Uyên Phương đã có những trao đổi với Thanh Niên về cuốn sách này.
Bà có thể cho biết khởi nguồn cuốn Competing with Giants có phải bắt đầu từ câu chuyện Tân Hiệp Phát từ chối lời mời 2,5 tỉ USD của Coca-Cola?
Đúng là Công ty Coca-Cola đưa ra đề nghị trị giá 2,5 tỉ USD để đổi lấy cổ phần kiểm soát trong Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát vào năm 2012. Ba tôi đã từ chối 2,5 tỉ USD và cơ hội ghi tên mình vào lịch sử M&A Việt Nam. Bởi nếu thỏa thuận được thống nhất thì đây sẽ là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất về giá trị của Việt Nam tại thời điểm đó. Thế nhưng câu chuyện này không phải là lý do tôi viết cuốn sách Competing with Giants.
Tân Hiệp Phát sử dụng công nghệ Aseptic trong dây chuyền sản xuất
Tân Hiệp Phát sử dụng công nghệ Aseptic trong dây chuyền sản xuất
Ý tưởng cuốn sách bắt nguồn từ khi tôi theo học chương trình giảng dạy đào tạo lãnh đạo tại Đại học Harvard năm 2012 với yêu cầu học viên đã làm chủ DN nhiều năm. Trong một bài tập tình huống (case study), câu chuyện một DN địa phương như Tân Hiệp Phát mà có thể trụ vững, cạnh tranh và vượt lên các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới thực sự gây ngạc nhiên đối với mọi người. Đại diện nhà trường đề nghị tôi làm một bài nghiên cứu. Tôi đã không làm mà quyết định sẽ viết thành sách bởi có thể sẽ chia sẻ được câu chuyện hữu ích và mang lại giá trị cho nhiều người hơn.
Bà có thể nói rõ hơn về nội dung cuốn sách?
Trọng tâm của quyển sách này là những phân tích dưới góc độ kinh tế, về cách mà Tân Hiệp Phát đã vượt qua những khó khăn để kiến tạo nên một công ty sản xuất nước giải khát sở hữu một số thương hiệu được yêu thích ở Việt Nam. Cụ thể như phương thức áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất; cách để kiềm chế được cám dỗ tiền bạc của các công ty đa quốc gia và trở nên mạnh mẽ hơn; cũng như làm thế nào để tận dụng được thành quả từ sự tăng trưởng kinh tế để thu hẹp khoảng cách với các DN trong khu vực, sánh vai với các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh.
Đặc tính vô trùng tuyệt đối là điểm nổi bật nhất của dây chuyền công nghệ Aseptic trong sản xuất
Toàn cầu hóa đã tạo nền tảng cho sự thành công và giúp mở rộng thương mại toàn cầu, xu hướng này đã giúp tạo ra các công ty đa quốc gia. Châu Á đang trỗi dậy, và điều này buộc các tập đoàn đa quốc gia kiểu phương Tây phải tính đến những chiến lược mới. Sự phát triển của nền kinh tế châu Á đang tái định hình lại cách vận hành của các công ty đa quốc gia. Bối cảnh kinh tế có thể thay đổi rất nhanh chóng và đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực định hình lại cách vận hành của các công ty này. Nhiều chính phủ châu Á đang tích cực tìm cách nuôi dưỡng các “nhà vô địch” nội địa của đất nước mình. Một số trong những “nhà vô địch” này đã đạt quy mô đủ lớn để mở rộng ra nước ngoài và tạo ra những mối quan hệ đối tác với các công ty khác trong khu vực. Việt Nam cũng đã đạt đến được một nấc thang kinh tế mới khi các công ty tư nhân lớn của Việt Nam như Tân Hiệp Phát bên cạnh việc đóng góp ngày càng nhiều vào GDP quốc gia cũng đang bắt đầu tạo ra các dấu ấn ở tầm khu vực. Các công ty nội địa thành công như Tân Hiệp Phát không phải tự nhiên mà xuất hiện. Chúng tôi được gầy dựng và quan trọng hơn là phải duy trì sự phát triển dưới sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ cả trong và ngoài nước.
Theo tôi, phương Đông và phương Tây có thể học hỏi lẫn nhau. Các DN thuộc sở hữu gia đình đang phát triển mạnh và đặc biệt phụ nữ châu Á đang tạo nên dấu ấn, vai trò của mình trong môi trường kinh doanh. Khi các công ty nhỏ kết hợp kiến thức bản địa của mình cùng với những ý tưởng kinh doanh quốc tế, họ có thể nắm chắc cơ nghiệp của mình và thậm chí còn vượt trội hơn các tập đoàn đa quốc gia vĩ đại.
Thông điệp “Châu Á đang trỗi dậy, và điều này buộc các tập đoàn đa quốc gia kiểu phương Tây phải tính đến những chiến lược mới” liệu có quá lạc quan không, thưa bà?
Trong nhiều thế kỷ, thông qua quá trình toàn cầu hóa, các quốc gia châu Âu cùng với các công ty đa quốc gia của họ đã thống trị nền thương mại và định hình các quy tắc kinh doanh toàn cầu. Nhưng hiện nay, châu Á đang trỗi dậy với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng đã tác động làm thay đổi luật chơi và định hình một trật tự thế giới mới.
Nhờ kết hợp kiến thức bản địa cùng với những ý tưởng kinh doanh quốc tế, các DN châu Á đã tạo nên sức mạnh cạnh tranh đáng kể để phát triển và mở rộng ra quy mô toàn cầu một cách nhanh chóng song hành cùng các công ty đa quốc gia quyền lực, và thậm chí còn vượt trội hơn các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Điều này buộc các tập đoàn đa quốc gia phải thay đổi để phát triển. Đó là sự thật chứ không phải tôi quá lạc quan.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước đây và ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia. Theo bà, làm thế nào để một DN bản địa có thể cạnh tranh với các công ty đa quốc gia?
Đó là, không ngừng sáng tạo những sản phẩm nội địa đích thực, đây là điểm mạnh của công ty địa phương. Việc cố gắng tạo ra sản phẩm chung cho các quốc gia có sự khác biệt về văn hóa là khó khả thi, trong khi đó các sản phẩm nội địa đích thực rất khó bị đánh bại. Kế đến là tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, quản trị tăng trưởng, động viên nhân viên và nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng.
Xin cảm ơn bà!
       
Trần Uyên Phương tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Bradford (Singapore), từng tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo, chủ sở hữu của Đại học Harvard, Mỹ. Chuyện nhà Dr.Thanh là cuốn sách đầu tay của Trần Uyên Phương do Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản năm 2017. Competing with Giants là cuốn sách thứ hai của cô, viết bằng tiếng Anh cùng 2 đồng tác giả người Anh và người Mỹ (Jackie Horne & John Kador). Trần Uyên Phương là Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, nữ doanh nhân thuộc thế hệ thứ hai trong công ty do bố mẹ cô thành lập năm 1994. Ngoài việc quản lý Nhà máy Number 1 Chu Lai, Trần Uyên Phương hiện là Ủy viên Ban Chấp hành của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, đồng thời cũng là thành viên Ban Chấp hành của Chi hội Doanh nhân trẻ thế giới (YPO) tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.