'Vùng đất 0' ở Trung Quốc buộc người dân phải di cư

12/07/2016 12:24 GMT+7

Tại đất nước tăng trưởng cận mức 7% hồi năm ngoái vẫn có vùng chứng kiến nền kinh tế sụt giảm khoảng 6%. Kinh tế èo uột buộc người dân phải rời bỏ quê nhà, đi xuất khẩu lao động.

Cô Zhang Yue, người quản lý cửa hàng trà, tuyệt vọng về tương lai thành phố quê nhà Thiết Lĩnh (Trung Quốc) đến mức đã vay mượn số tiền gấp năm lần thu nhập hằng năm của mình, xin thị thực đi lao động ở Nhật Bản - nơi mà nền kinh tế chẳng đi lên trong nhiều thế hệ.
“Hai năm trước, mọi thứ đều tốt đẹp và tôi từng mua bất cứ món gì mình muốn. Sau đó đột nhiên mọi thứ sụt giảm. Nền kinh tế đi thẳng xuống. Nó rơi tự do”, cô Zhang, 29 tuổi, chia sẻ. Cô cho hay thu nhập của chồng cô giảm đi một nửa còn của bản thân thì dậm chân tại chỗ.
Nơi là nhà của khoảng 3 triệu người, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh, là “vùng đất 0” giữa cảnh suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Đây là thành phố có diễn biến kinh tế tệ nhất trong tỉnh cũng có diễn biến kinh tế tệ nhất. Các tấm biển quảng cáo cung cấp thị thực cho cư dân lao động ở nước ngoài tràn ngập cùng nhiều bảng cho vay nóng. Tại trung tâm thành phố, một studio cưới dán thông báo: “Chủ đang đi nước ngoài. Shop bán”.
Thiết Lĩnh là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi việc kinh tế đất nước 1,4 tỉ dân suy giảm những năm gần đây. Kinh tế thành phố lao dốc 6,2% trong năm ngoái so với mức đi lên gần 7% của toàn quốc. Đầu tư vào tài sản cố định ở Thiết Lĩnh, phần lớn là bất động sản và cơ sở hạ tầng, giảm 39%. Sản lượng thép hạ 89%, sản lượng công nghiệp đi xuống 18% và sản lượng than giảm khoảng 8%.
Quảng cáo xuất khẩu lao động ở Thiết Lĩnh Bloomberg
“Những thành phố kiểu này đang trong giai đoạn rất khó khăn. Các đô thị công nghiệp từng trống rỗng ở Mỹ sau thập niên 1960, 1970 hiện vẫn trong trạng thái xấu. Đây là ví dụ cho thấy việc chuyển mình vùng công nghiệp khó như thế nào, ngay cả ở nền kinh tế kết nối và sáng tạo cao như Mỹ”, chuyên gia Andrew Polk, giám đốc nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại hãng Medley Global Advisors nói.
Hoàn cảnh của Thiết Lĩnh nhấn mạnh độ lớn của thách thức mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt: ông cần cắt giảm công suất dư thừa ở các khu vực này, trong khi hỗ trợ hàng triệu người dân đang trong cảnh khó khăn. Kinh tế Đại lục tiếp tục giảm tốc ba tháng qua với mức tăng trưởng 6,6%, theo ước tính trung bình của giới chuyên gia kinh tế được hãng tin Bloomberg khảo sát.
Bên dưới guồng quay ổn định của Đại lục là khoảng cách ngày càng lớn giữa các khu vực chiến thắng về mặt kinh tế và những vùng công nghiệp già cỗi thua cuộc. “Câu hỏi được đặt ra là liệu vùng chiến thắng sẽ hạ bệ vùng thất bại, hay vùng thất bại sẽ kéo vùng chiến thắng đi xuống. Thực tế, quá trình này sẽ mất thời gian, những vùng ốm yếu của Trung Quốc sẽ cần sự hỗ trợ của chính phủ trong nhiều năm tới. Ngay cả khi được hỗ trợ, đây vẫn là cuộc đấu tranh khó khăn”, chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Á Frederic Neumann tại HSBC nhận định.
Ở Thiết Lĩnh, có rất ít bằng chứng cho thấy sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi đổi mới, sáng tạo mà Thủ tướng Lý Khắc Cường áp dụng để giúp bù đắp sự sụt giảm công nghiệp.
Các tỉnh có kinh tế diễn biến tệ nhất Trung Quốc, chót bảng là tỉnh Liêu Ninh Bloomberg
Tại mỏ than ở khu cách trung tâm thành phố Thiết Lĩnh một giờ lái xe, tài xế xe tải Zhang Xiuju, 49 tuổi, cho biết hoạt động kinh doanh đã giảm một nửa trong 2 đến 3 năm qua. Một số thợ mỏ than từng được nhận 3.500 nhân dân tệ, tương đương 523 USD, mỗi tháng ngày trước nay chỉ được trả 2.000 nhân dân tệ/tháng. Ngoài ra, nhiều người làm việc tại mỏ cũng được cho nghỉ làm không lương trong hai năm, còn công ty thì chi tiền an sinh xã hội cho họ.
“Đây là thời điểm khủng khiếp đối với người lao động. Sau năm 2012, mọi thứ đã đi xuống và đây là thời gian tệ hơn bao giờ hết. Tương lai thành phố là khủng khiếp”, cô Zhang cho biết.
Cộng dồn vào khó khăn của Thiết Lĩnh là 27 tỉ nhân dân tệ bị phung phí giữa năm 2006 và năm 2013, trên 35 triệu mét vuông Thành phố mới Thiên Lĩnh. Khoản đầu tư làm sụt giảm khả năng chống đỡ tình hình tồi tệ của dư cung nhà ở. Thành phố mới trên không bán được bất kỳ miếng đất nào cho nhà đầu tư hồi năm ngoái, và hãng cơ sở hạ tầng của nó là Thiên Lĩnh Newcity Investment Holding lỗ 179 triệu nhân dân tệ, theo báo cáo hằng năm của công ty.
Cô Chen Lan, 58 tuổi, người làm chủ khách sạn 20 phòng gần thành phố cũ của Thiên Lĩnh nói: “Đột nhiên, không còn ai đến thành phố này nữa. Không có xây dựng, vì vậy không có phát triển”.
Đường phố thương mại Thành phố mới Thiết Lĩnh Bloomberg
Dù vậy, vẫn còn vài điểm sáng trong ngành dịch vụ. Tại trung tâm logistic, Ren Baoku, 49 tuổi, cho hay doanh thu từ hoạt động giao hàng bữa trưa của ông tăng lên 1.000 nhân dân tệ/ngày trong năm nay, từ mức chỉ 300 nhân dân tệ/ngày hồi năm ngoái. Nhân viên bán hàng bất động sản Ma Yuze thì cho hay 2015 là năm tốt hơn bao giờ hết, vì khách hàng đổ xô mua căn hộ giảm giá.
Song cô Zhang, quản lý cửa hàng trà thì đã từ bỏ hy vọng vào quê nhà. Cô vay hầu hết số tiền 150.000 nhân dân tệ để đảm bảo visa lao động qua Nhật cho mình và chồng, hy vọng xuất ngoại vào cuối năm nay. Con gái cô sẽ do ông bà ngoại chăm sóc một thời gian.
“Con gái tôi không thể có tương lai ở đây. Con tôi có thể mất cả cuộc đời ở đây mà vẫn không có tiền”, cô Zhang chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.