Vụ tàu vỏ thép kém chất lượng: Lại đổ lỗi cho ngư dân

17/06/2017 09:13 GMT+7

Ngày 16.6, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, khẳng định việc các công ty cung ứng máy tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP làm việc trực tiếp với chủ tàu để thay thế, sửa chữa máy tàu là không đúng quy định.

Những ngày qua, gia đình ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (Công ty Hoàng Gia Phát) và ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Hải (Công ty Đông Hải), đã đến tỉnh Bình Định làm việc trực tiếp với các chủ tàu vỏ thép để xin khắc phục sự cố về máy tàu. Đây là 2 đơn vị cung cấp máy cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng tàu vỏ thép cho ngư dân.
Lại đổ lỗi cho ngư dân
Ngày 14.6, ông Bùi Thanh Hải mang linh kiện động cơ thủy Doosan (Hàn Quốc) từ Hàn Quốc đến Bình Định để lắp ráp cho máy thủy trên tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ông Trần Đình Sơn (ở xã Mỹ An, H.Phù Mỹ) theo chính sách bảo hành máy hư hỏng. Tuy nhiên, ông Sơn yêu cầu thay máy mới, kiên quyết không chấp nhận việc thay thế phụ tùng.
Chiều 15.6, tại Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, ông Hải đã làm việc với ông Sơn. Tại buổi làm việc, ông Hải khẳng định máy thủy trên tàu vỏ thép BĐ 99245 TS là do lỗi của ông Sơn và chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan là thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng.
Chuyên gia hãng Doosan kiểm tra máy tàu của ông Sơn Ảnh: Hoàng Trọng

tin liên quan

Ngư dân đòi trả lại tàu vỏ thép
Ngày 26.5, Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH ô tô Đông Hải (nhà phân phối chính thức của Hãng máy Doosan tại VN), Chi cục Thủy sản Bình Định đã có buổi làm việc với các ngư dân có tàu vỏ thép (đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ) lắp máy của Hãng Doosan (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, ông Sơn không đồng tình, cho rằng lỗi không phải là của mình, mà là do đơn vị lắp máy không đồng bộ nên đã mời cả ông Hải và đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cùng xuống tàu của mình để kiểm tra thực tế. Trên tàu, ông Sơn chỉ cho các bên thấy trong số 12 cái piston trong máy tàu, thì có 3 cái piston không đồng bộ, khác hẳn với 9 cái còn lại. “Buồng nổ máy phải đồng bộ thì máy nổ mới đều được, không đồng bộ thì buộc phải gồng và gãy máy. Tôi không đồng ý với ông Hải nên sẽ chờ cách giải quyết của Tổ thẩm định tàu vỏ thép tỉnh Bình Định và các cơ quan chức năng. Nếu không hợp lý nữa thì tôi trả tàu”, ông Sơn nói.
Trong ngày 15.6, người nhà của ông Lê Hoàng Phong đã cùng với 5 chủ tàu vỏ thép đến UBND H.Hoài Nhơn (Bình Định) xin được sửa chữa máy tàu vỏ thép để đi biển nhưng lãnh đạo huyện không chấp thuận.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND H.Hoài Nhơn, việc này hoàn toàn bất ngờ. Bởi trước đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định và các ngư dân về việc tàu cá vỏ thép kém chất lượng, ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát, khẳng định máy mà đơn vị này cung ứng cho Công ty Nam Triệu đóng tàu vỏ thép là máy thủy hiệu Mitsubishi nguyên đai, nguyên kiện, mới 100%. Ông Phong cho rằng các chủ tàu là ngư dân không biết gì về máy móc tàu và thách thức các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng máy.
Tuy nhiên, ngay sau khi đại diện nhà phân phối độc quyền máy thủy Mitsubishi tại VN khẳng định có 8 máy mà Công ty Nam Triệu lắp đặt không phải là hàng chính hãng, có dấu hiệu cải hoán thì ông Phong đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan chức năng cam kết sẽ thay thế 10 máy tàu lắp đặt bằng máy thủy hiệu Mitsubishi chính hãng. Đến nay, Công ty Hoàng Gia Phát không chịu thay máy mà chỉ xin sửa chữa.
Lấy mẫu thép để thẩm định chất lượng vỏ tàu cá Ảnh: Hoàng Trọng
Theo ông Nguyễn Công Đồng (ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, H.Hoài Nhơn), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99047 TS, người của Công ty Hoàng Gia Phát đến làm việc với 10 chủ tàu vỏ thép ở H.Hoài Nhơn vào các ngày 14 và 15.6. Công ty Hoàng Gia Phát khẳng định tất cả máy mà họ cung cấp cho Công ty Nam Triệu có mã số máy đúng như hợp đồng nhưng mã số máy này không phải là của máy thủy là mà là máy phát điện.
“Chúng tôi yêu cầu Công ty Hoàng Gia Phát thay máy mới nhưng họ xin sửa chữa lại máy cũ vì nếu thay toàn bộ 9 máy thủy Mitsubishi mới như trong cam kết thì công ty không đủ khả năng, họ đang gặp nhiều khó khăn... Máy móc là chuyện của Công ty Hoàng Gia Phát và Công ty Nam Triệu. Chủ tàu chúng tôi chỉ hợp đồng đóng tàu với Công ty Nam Triệu nên sẽ yêu cầu công ty này thực hiện theo đúng với hợp đồng”, ông Đồng nói.
Kiên quyết làm đến nơi đến chốn
Theo ông Phan Trọng Hổ, Công ty Hoàng Gia Phát ký hợp đồng cung ứng máy với Công ty Nam Triệu thì hai bên có trách nhiệm thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với nhau. Ngư dân ký hợp đồng đóng tàu với Công ty Nam Triệu nên công ty đóng tàu phải chịu trách nhiệm về chất lượng tàu vỏ thép.
“Tôi cũng đã giải thích việc anh Hải ở Công ty Đông Hải làm việc trực tiếp với ngư dân là không đúng. Anh Hải ký hợp đồng với Công ty Nam Triệu thì thực hiện bảo hành với công ty này. Ngư dân có biết anh Hải là ai? Nếu ngư dân cho anh Hải lắp máy vào, sau này máy lại hư hỏng, ngư dân kêu thì Công ty Nam Triệu lại nói tôi lắp máy cho anh, anh để người khác đụng vào giờ hư sao gọi tôi, lúc đó ai chịu? Chúng tôi cũng đã giải thích cho các chủ tàu rồi, nếu đơn vị cung cấp máy thay máy thì kiên quyết không cho, phải Công ty Nam Triệu thay, đây là trách nhiệm của họ”, ông Hổ nói.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định được bàn giao năm 2016 đã bị gỉ sét Ảnh: Hoàng Trọng
Theo ông Hổ, đến nay, Tổ thẩm định tàu vỏ thép tỉnh Bình Định đã hoàn thành việc lấy 17 mẫu thép vỏ tàu gửi Trung tâm kiểm định thép ở TP.HCM để kiểm định. “Trong quá trình thẩm định, có 7 ngư dân dù đã có đơn kiến nghị nhưng khi tổ thẩm định làm việc lại kiên quyết không cho lấy mẫu thép. Tuy nhiên, tổ thẩm định kiên quyết thuyết phục chủ tàu để thực hiện công việc của mình. Dự kiến đến cuối tháng 6 mới có báo cáo chính thức của Tổ thẩm định về các tàu cá được thẩm định", ông Hổ cho biết.
“Trong quá trình thẩm định thì có cái anh em khẳng định được ngay, có cái phải nghi ngờ, cần được đối chiếu kỹ càng, nhất là những vấn đề chuyên môn sâu. Chúng tôi không nói Tổ thẩm định giải quyết hết mọi vấn đề. Về tư cách pháp nhân thì đúng, đủ nhưng có những cái vượt quá khả năng cho phép thì Tổ thẩm định sẽ phải nhờ các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT hỗ trợ. Vì ngư dân, Tổ thẩm định kiên quyết làm đến nơi, đến chốt những nghi vấn về chất lượng tàu vỏ thép”, ông Hổ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.