Vụ kiện Vinasun - Grab: Grab đưa 5 luận điểm quan trọng, yêu cầu đình chỉ vụ án

10/03/2020 15:29 GMT+7

15 tháng sau phán quyết sơ thẩm vụ kiện giữa Vinasun - Grab, hai bên nguyên đơn và bị đơn cùng kháng cáo đến TAND cấp cao tại TP.HCM.

Sáng nay (10.3), sau gần 15 tháng phán quyết sơ thẩm và nhận kháng cáo bản án sơ thẩm từ cả hai phía nguyên đơn và bị đơn, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab).
Trước đó, sau khi tòa án sơ thẩm bác bỏ khoản tiền 36,3 tỉ đồng, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng, hai bên nguyên đơn và bị đơn cùng kháng cáo dến TAND cấp cao tại TP.HCM. Đáng chú ý hơn, VKSND cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun vì cho rằng không có căn cứ.
Tại phiên phúc thẩm sáng 10.3, phía bị đơn (Grab) đã đưa ra 5 điểm tranh luận cho thấy vì sao vụ kiện này nên bị đình chỉ, bác bỏ.

Tòa án không có thẩm quyền định danh doanh nghiệp

Phía Grab cho rằng tòa án không có thẩm quyền trong việc định danh hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của Grab không được điều chỉnh bởi Nghị định 86, do đó, Bộ GTVT đã ban hành Đề án thí điểm để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Grab.
Cũng theo Đề án thí điểm, Bộ GTVT và các bộ, ngành có liên quan có thẩm quyền giám sát và kết luận liệu Grab có tuân thủ với Đề án thí điểm hay không chứ không phải tòa án. Do đó, luật sư Đinh Tiến Dũng - đại diện Grab cho rằng tòa án không có thẩm quyền định danh hoạt động kinh doanh. Đây là thẩm quyền của Chính phủ và cụ thể là Bộ GTVT.

Không có cơ sở khi nhận định Grab vi phạm Nghị định 86 và Đề án thí điểm

Tại phiên tòa, bên bị đơn chỉ ra rằng trên thực tế, tòa án không có cơ sở khi nhận định Grab là doanh nghiệp vận tải dựa trên Nghị định 86 vì khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Grab là Đề án thí điểm 24. Theo đó, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền giám sát hoạt động của Grab. Vào cuối năm 2017, Bộ GTVT đã kết luận rằng Grab tuân thủ Đề án thí điểm tại hội nghị tổng kết hai năm thực hiện Đề án thí điểm vào cuối năm 2017. Trên cơ sở kết luận đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho gia hạn Đề án thí điểm vào đầu năm 2018, khi phiên tòa sơ thẩm được mở lần đầu tiên. 
Từ góc độ quản lý nhà nước đối với các mô hình kinh doanh kết nối vận tải, phía Grab cho rằng, Nghị định 10 (thay thế Nghị định 86) sắp được triển khai là một bước tiến quan trọng, hợp pháp hóa dịch vụ xe công nghệ tại Việt Nam và tạo sân chơi bình đẳng cho các công ty taxi và xe hợp đồng. Đây là một bằng chứng vững chắc cho thấy sự công nhận của Chính phủ với việc ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của người Việt ngày một tốt hơn.

Không có căn cứ để xác định thiệt hại chi phí xe nằm bãi của Vinasun

Khi được hỏi và phản biện liên quan đến các thiệt hại của Vinasun, phía bị đơn cũng khẳng định: Tòa án không có căn cứ để xác định thiệt hại chi phí xe nằm bãi của Vinasun vì thực tế, chi phí xe nằm bãi không phải loại thiệt hại Vinasun yêu cầu.
Vinasun đòi bồi thường lợi nhuận bị sụt giảm năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Kết luận của Công ty giám định thiệt hại Cửu Long đưa ra làm chứng cứ cho thấy các thiệt hại bao gồm chi phí lãi vay, chi phí khấu hao, chi phí bến bãi... Trong vận hành kinh doanh của doanh nghiệp, đây là những chi phí trong hoạt động kinh doanh hằng ngày của Vinasun dù xe nằm bãi hay đưa vào kinh doanh. Như vậy, hoạt động kinh doanh của Grab không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc xe nằm bãi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xe nằm bãi như xe hỏng, xe chưa đăng kiểm, tài xế nghỉ ốm... 

Nghi ngờ năng lực của đơn vị giám định thiệt hại

Phía bị đơn cũng đưa ra câu hỏi về năng lực và uy tín của Công ty giám định thiệt hại Cửu Long - đơn vị được chỉ định và đánh giá: Cửu Long không có kinh nghiệm với những vụ việc như thế này. Đồng thời, bị đơn cũng cho rằng, kết quả báo cáo có phần đáng nghi ngại bởi mối quan hệ giữa Vinasun và Cửu Long có thực sự minh bạch, công bằng hay không sau khi Tòa án hướng dẫn Vinasun tham gia và trả cho Cửu Long 3 tỉ đồng chi phí báo cáo giám định thiệt hại khi chưa có kết quả phán xử cuối cùng. Đồng thời, những nghi ngờ về năng lực của công ty giám định thiệt hại cũng được đưa ra, vì Cửu Long đã ký hợp đồng chuyển giao cho một công ty khác là Công ty TNHH tư vấn và nghiên cứu Quốc Việt khi chưa có sự phê chuẩn của tòa.
Theo nguyên tác giám định thiệt hại, bất cứ đơn vị giám định thiệt hại nào trước hết cũng sẽ đặt mục tiêu chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của Grab tại Việt Nam và thiệt hại (nếu có) của Vinasun trước khi đi vào chi tiết các tính toán về thiệt hại, nhưng đây lại là điều mà Cửu Long đã không thực hiện. Bên cạnh đó, tòa án tiến hành chỉ định Cửu Long, một đơn vị không có kinh nghiệm và năng lực giám định thiệt hại thực tế dù Grab đã gửi danh sách đề cử các đơn vị tư vấn, đánh giá quốc tế uy tín, nổi tiếng, có nhiều kinh nghiệm xử lý các giám định thiệt hại như thế này.

Phương án giám định thiệt hại có nhiều sai sót

Phản biện về phương pháp tính toán giám định thiệt hại của Cửu Long, Grab cũng cho rằng có nhiều sai sót cần phải được xem xét. Cụ thể: Grant Thornton, đơn vị tư vấn và kiểm toán độc lập, đã xem xét, thẩm định báo cáo của Cửu Long và chỉ ra nhiều lỗ hổng, bất cập trong báo cáo này. Cụ thể: Phương pháp tính thiệt hại vô lý, giả thiết thiếu căn cứ, số liệu không đồng nhất. Ngoài việc xác định và tính toán thiệt hại thực tế, đơn vị giám định cần phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa khoản lợi nhuận bị sụt giảm mà Vinasun đang khiếu kiện và hoạt động kinh doanh của Grab ở Việt Nam - điều mà Cửu Long hoàn toàn không làm được.
Phiên tòa dự kiến sẽ còn tiếp tục với hỏi - phản biện của các bên.
Năm 2015, Vinasun nộp đơn khởi kiện, yêu cầu TAND TP.HCM buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỉ đồng.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua "Quyết định 24" của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải. Nhưng Vinasun khẳng định trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun, vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT, làm thiệt hại cho Vinasun.
Ngược lại, Grab khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ là "cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng" nên đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của Vinasun hoặc đình chỉ vụ án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.