Vụ hàng vạn cành hoa Đà Lạt bị tiêu hủy: Bộ NN-PTNT nói gì?

14/07/2021 17:22 GMT+7

Việc cấm sử dụng hoạt chất thuốc diệt cỏ gây bệnh ung thư Glyphosate được Bộ NN-PTNT thực hiện theo lộ trình công bố trước 2 năm, vì thế không thể gia hạn cho Đà Lạt Hasfarm tiếp tục sử dụng để xuất khẩu hoa tươi sang Úc.

Liên quan đến phản ánh của Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm) tại Lâm Đồng phải tiêu hủy hàng vạn cành hoa trong hơn 10 ngày qua khi không được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sang Úc, ngày 14.7, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đã thông tin chi tiết về sự việc này.

Glyphosate là chất diệt cỏ gây bệnh ung thư

Ông Hoàng Trung khẳng định, sản phẩm hoa tươi cắt cành của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 20 quốc gia và các quy định kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu không có gì mới. Nhưng chỉ có thị trường Úc hiện nay quy định xử lý hoạt hoạt chất Glyphosate đối với 2 loại hoa cúc và cẩm chướng, chứ không phải tất cả các loại hoa.
Từ ngày 10.4.2019, Bộ NN-PTNT đã có quyết định thông báo loại hoạt chất Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Cũng từ thời điểm này, các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu hoạt chất Glyphosate về Việt Nam. Còn theo Thông tư 10 ban hành ngày 9.9.2020 của Bộ NN-PTNT, sau ngày 30.6.2021, Glyphosate là hoạt chất bị cấm sử dụng.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, quyết định loại bỏ và tiến tới cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate được Bộ NN-PTNT căn cứ theo các nghiên cứu, bằng chứng khoa học và phần lớn đều tham khảo của Mỹ. Ngay tại phiên đầu trần gần nhất tại Mỹ,  Glyphosate vẫn bị phán quyết là hoạt chất diệt cỏ gây bệnh ung thư cho con người.
Hoang-Trung

Ông Hoàng Trung khẳng định, loại bỏ Glyphosate là quyết định đã có lộ trình 2 năm, không thể tiếp tục gia hạn sử dụng chỉ vì lợi ích của một số doanh nghiệp mà xem nhẹ sức khỏe người dân, môi trường

Ảnh Phan Hậu

Liên quan đến phản ứng của Đà Lạt Hasfarm, ông Hoàng Trung khẳng định: “Quy định lộ trình loại bỏ và cấm Gyphosate đã công bố trước 2 năm để các doanh nghiệp chủ động tìm hướng thích nghi. Trước 3 tháng khi Thông tư 10 có hiệu lực, Cục Bảo vệ thực vật đã có thông báo đến Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội hoa Đà Lạt để phổ biến đến các doanh nghiệp thành viên. Cá nhân tôi trực tiếp làm việc với Đà Lạt Hasfarm về quy định này và phối hợp tìm hoạt chất thay thế thì không thể nói đây là quy định gây bất ngờ, bất lợi cho doanh nghiệp được”.
Cũng theo ông Hoàng Trung: “Úc quy định trong mỗi lô hàng xuất khẩu, cơ quan kiểm dịch thực vật phải ghi rõ nội dung lô hàng được xử lý bằng hoạt chất Glyphosate với hàm lượng cụ thể. Nhưng từ ngày 30.6 trở đi, quy định cấm sử dụng hoạt chất này có hiệu lực, các doanh nghiệp phải tuân thủ đúng theo luật Bảo vệ thực vật và kiểm dịch thì cơ quan kiểm dịch không thể nào ghi khác được. Quan điểm của Cục Bảo vệ thực vật và Bộ NN-PTNT là phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe con người, môi trường”.

Đã đề xuất với Úc hoạt chất thay thế Glyphosate

Ông Hoàng Trung cũng khẳng định, cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate không là quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phía Úc chỉ yêu cầu xử lý với 2 loại hoa, với thị phần không quá lớn. Doanh nghiệp có thể chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác.
Phía Cục Bảo vệ thực vật cũng chủ động phối hợp để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp khi đã phối hợp với Đà Lạt Hasfarm thử nghiệm hoạt chất thay thế cho Glyphosate. Báo cáo khảo nghiệm hoạt chất mới này đã được gửi sang Úc và đang chờ họ thẩm định và công nhận.
“Chúng tôi đã yêu cầu cán bộ liên lạc với Tham tán Thương mại Đại sứ quán Úc tại Việt Nam để cập nhật kết quả xử lý hồ sơ. Trong cuộc họp trực tuyến với phía Úc tới đây, việc sử dụng hoạt chất thay thế cho Glyphosate sẽ được thảo luận”, ông Trung nói.
Ông Trung cũng lên tiếng bác bỏ thông tin hoa tươi Đà Lạt bị đổ bỏ hàng loạt vừa qua là do không xuất khẩu được sang thị trường Úc khi theo số liệu của cơ quan kiểm dịch, hoa tươi cắt cành không đạt tiêu chuẩn bị phía Úc trả về chỉ có 2 container.
Cũng như nhiều nông sản khác, hoa tươi Đà Lạt đang gặp khó trong khâu vận chuyển, tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân đổ bỏ, tiêu hủy chứ không phải là không xuất khẩu được. Hiện tại, Việt Nam đang xuất khẩu hoa tươi đi 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan… và vẫn diễn ra bình thường.
120.000 vụ kiện liên quan đến hoạt chất Glyphosate
Theo công bố của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Glyphosate là hoạt chất có khả năng gây ung thư (nhóm 2A) cho con người. Ông Hoàng Trung cho biết, giá trị thương mại mỗi năm của Glyphosate trên thế giới là 60 tỉ USD.
Không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia đã có quy định cấm sử dụng hoặc có lộ trình loại bỏ hoạt chất độc hại này trong sản xuất nông nghiệp.
Trên thế giới hiện có 120.000 vụ kiện liên quan đến hoạt chất Glyphosate, về những tổn hại gây ra cho sức khoẻ con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.