Vốn ưu đãi 'chảy' vào nông nghiệp

14/02/2017 07:08 GMT+7

Phong trào làm nông đang phổ biến ngay tại TP.HCM khi nhiều người quay trở lại với nghề nông bằng đất sẵn có và được hỗ trợ bằng nguồn vốn vay ưu đãi.

Mỗi vụ "đút túi" 70 triệu
Những dây dưa lưới bám vào từng sợi cước mọc thẳng đứng lên trời. Mỗi dây một trái dưa nặng chừng 0,8 - 1 kg, cũng được cột bằng dây cước treo lủng lẳng bên cạnh. Nâng niu từng trái dưa, anh Huỳnh Công Mạnh, chủ vườn, hồ hởi khoe: “Đến thời điểm này coi như an tâm rồi. Khoảng 1 tháng nữa là đến lúc thu hoạch. Toàn bộ được bao tiêu đầu ra”.
Anh Mạnh trồng giống dưa lưới AB Sweet Gold. Đây là giống cây sinh trưởng tốt, kháng bệnh, ngọt, giòn, phù hợp với thị hiếu và khẩu vị của người VN. Do giá bán trên thị trường khá cao nên khi thu hoạch trọng lượng phải vừa phải, “đẹp” nhất khoảng 1,5 - 1,8 kg. “Trên 2 kg doanh nghiệp cũng chê vì ra thị trường giá bị đẩy lên cao. Còn dưới 1,5 kg lại không đạt chất lượng. Vì vậy, phải canh trọng lượng chuẩn thì mới đạt tiêu chuẩn mà họ đưa ra”, anh Mạnh nói. Anh Mạnh cho biết, hiện vườn dưa lưới của anh được doanh nghiệp bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí, trung bình có thể lời khoảng 70 triệu đồng/vụ/công (1.000 m2). Vòng đời của dưa lưới chỉ khoảng 2,5 tháng, nên có thể trồng được nhiều vụ trong năm.
Anh Mạnh là người ở xã Phước Vĩnh An (Củ Chi, TP.HCM), sống bằng nghề thợ điện ở trung tâm thành phố. Có được mấy công đất hương hỏa của ông bà để lại nhưng trước giờ anh bỏ hoang. Trên cùng mảnh đất ấy, đầu năm ngoái người cháu anh đầu tư nhà kính thử nghiệm trồng dưa lưới và thành công. Với “máu” mê làm nông sẵn có, anh Mạnh quyết định vay vốn đầu tư vào nông nghiệp. Để chắc ăn, anh liên hệ với Phòng Kinh tế huyện và được nơi này hướng dẫn cách lập dự án và vay vốn Ngân hàng BIDV với lãi suất 2,5%, trong thời hạn 5 năm, trả dần theo mùa vụ. Thời gian từ khi làm hồ sơ đến khi nhận tiền vay cũng chỉ trong vòng 1 tháng. “Tuy nhiên, cái khó chính là việc phải có tài sản thế chấp. Mảnh đất nông nghiệp của mình mang thế chấp thì ngân hàng không chịu vì giá trị thấp. Nếu những người muốn đầu tư vào nông nghiệp mà không có tiền, tài sản thì cũng phải chịu”, anh Mạnh cho biết.
Vay được vốn ngân hàng, anh Mạnh thuê người xây dựng nhà kính và hệ thống tưới tự động với chi phí khoảng 300 triệu đồng/1.000 m2. Anh còn tìm được doanh nghiệp cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Thấy mô hình đầu tư vào nông nghiệp của anh Mạnh phát huy hiệu quả, nhiều người cũng muốn học theo. Anh Nguyễn Văn Sơn tâm sự: “Tôi có 3 công đất ở Bình Chánh đang bỏ không chưa biết làm gì. Thấy mô hình làm nông nghiệp của anh Mạnh tương đối hiệu quả và tiện lợi nên muốn học theo. Vấn đề lớn nhất là vốn đầu tư ban đầu đã được vay lãi suất thấp. Được biết Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lên đến 100.000 tỉ đồng, nếu vay được tôi cũng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Còn giống, kỹ thuật, đầu ra đã có doanh nghiệp bao tiêu”.
“Tôi đang cân nhắc và tìm hiểu thêm về các thông tin liên quan về chính sách hỗ trợ của nhà nước, những doanh nghiệp có đầu ra tốt. Một thị trường lớn như TP.HCM chắc sẽ có nhu cầu lớn và đa dạng”, anh Sơn cho biết.
Nhu cầu thị trường lớn
Hiện nay ngoài công việc chính là thợ điện của mình, phần lớn thời gian còn lại anh Mạnh dành cho vườn dưa. Để chăm sóc 4 công dưa của mình anh phải thuê thêm 2 lao động, làm việc thường xuyên. Công việc chính hằng ngày là theo dõi vườn, tỉa lá, cột dây, treo trái… nhưng cực nhất chính là vào đầu vụ. Hạt giống mua về phải gieo trước trong bầu, đến khi được 3 lá đưa vào vườn trồng đồng loạt. Đến khi ra hoa phải thụ phấn bằng tay cho từng bông. Bên cạnh đó, thả thêm ong mật để hỗ trợ thụ phấn cho trái đẹp hơn. Sau đó phải lựa trái đẹp nhất giữ lại, tỉa bớt trái xấu vì trên mỗi dây dưa chỉ có thể có một trái.
Kinh nghiệm trồng dưa lưới của anh Mạnh chính là nếu trồng trong giá thể có thể làm được 4 vụ/năm còn trồng trực tiếp trên đất chỉ có 3,5 vụ vì phải có thời gian cải tạo đất. Ngược lại trồng trên đất lại tiết kiệm được phân bón, chỉ bằng 1/3 giá thể. “Kỹ thuật người ta chuyển giao chỉ là một phần, phần lớn còn lại phải do mình tự học hỏi từ thực tế khi bắt tay vào làm”, anh Mạnh khuyến cáo.
Khoảng 3 năm nay phong trào trồng dưa lưới phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước. Hiện nay trên thị trường dưa lưới có 2 loại chính là vỏ vàng và xanh, giống trái tròn và dài. Giống dưa lưới trước đây chủ yếu là giống ngoại nhập từ nhiều nước khác nhau. Gần đây các nhà khoa học đã lai tạo để cải tạo giống cho phù hợp hơn với điều kiện VN. Dưa lưới được trồng phổ biến ở các tỉnh Nam bộ do điều kiện nắng nhiều, trái sẽ ngọt hơn. Tại nhiều hệ thống siêu thị lớn hiện nay kinh doanh sản phẩm dưa lưới gần như quanh năm và được khách hàng ưa chuộng. Nhiều nhà vườn cho biết ngoài tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp cũng thu mua bán sang Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.