Vốn rẻ, nhưng 'đầu ra' vẫn bí

05/07/2017 07:24 GMT+7

Làm nông nghiệp công nghệ cao, ngoài vốn rẻ, nút thắt vẫn nằm ở việc sản xuất, phân phối, cung ứng theo chuỗi khép kín, trong đó mấu chốt là khơi thông đầu ra.

Giải quyết được bài toán này, người nông dân mới có thể làm ăn lớn, vươn lên làm giàu.
Đó là vấn đề đáng chú ý tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” diễn ra ngày 4.7, do Hội Nông dân VN phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ NN-PTNT tổ chức.
Đã “bơm” 28.000 tỉ đồng
Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết hiện đã có 8 ngân hàng (NH) thương mại cam kết rót 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao (CNC) theo chỉ đạo của Chính phủ. Tính đến cuối tháng 5.2017 dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp đạt hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Riêng cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch, tổng dư nợ đạt gần 32.339 tỉ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp - DN). Trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng CNC hơn 27.700 tỉ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.600 tỉ đồng, không phát sinh nợ xấu.
Dòng vốn rẻ đã chảy nhưng một số nơi người nông dân vẫn chưa thể tiếp cận. Phát biểu tại hội thảo, nông dân Lê Văn Trường (một hộ gia đình chăn nuôi lợn tại Vĩnh Phúc) cho biết, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông vừa rồi chịu thiệt hại nặng nề khi giá thịt lợn lao dốc, đến thời điểm này thua lỗ hơn 3 tỉ đồng. Ông Trường giãi bày: “Theo Nghị định 55 của Chính phủ, hộ gia đình tôi được vay tín dụng với hạn mức 1 tỉ đồng. Khi chúng tôi mang hồ sơ đi vay vốn tại Agribank thì bị từ chối. Hiện chúng tôi đang rất khó khăn, mong được các đơn vị có thẩm quyền cứu giúp”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, cũng thẳng thắn đánh giá, cho vay nông nghiệp CNC còn nhiều khó khăn bởi đây là gói tín dụng nhà nước không hỗ trợ, các NH cũng phải giảm bớt lợi nhuận để cho vay lãi suất thấp hơn mức thị trường từ 0,5 - 1,5%/năm. Vì vậy, các dự án phải đảm bảo khả thi, có hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận, thu hồi vốn.
Một rào cản khác, theo ông Hùng, hiện người nông dân và DN xây dựng nhà máy, trang trại CNC không được cấp giấy chứng nhận, xác định tài sản trên đất. Do đó các NH không có căn cứ để cho vay. “Chúng tôi đã đề xuất, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp và Bộ TN-MT sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân”, ông Hùng thông tin.
Nút thắt nằm ở đầu ra
Theo các DN, ngoài vốn, mấu chốt hiện nằm ở thị trường đầu ra. TS Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Bưu điện (LienVietPostbank), cho rằng cái gốc vấn đề phải tổ chức mô hình nuôi trồng tập trung, chuyên nghiệp mà nông dân trở thành công nhân hoặc bàn tay nối dài để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện nghiêm ngặt quy trình của chủ đầu tư đảm bảo chất lượng. Sau đó là việc tổ chức tiêu thụ theo quy trình chuỗi khép kín.
Chỉ khi nào ở VN hết chăn nuôi, trồng trọt tự phát, manh mún thì mới có thể hết giải cứu cho các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp
TS Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostbank

“Chỉ khi nào ở VN hết chăn nuôi, trồng trọt tự phát, manh mún thì mới có thể hết giải cứu cho các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp”, ông Hưởng khẳng định.
Chủ tịch LienVietPostbank đề xuất, nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các DN bao tiêu sản phẩm của nông dân; các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với DN nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ..., xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường.
Theo bà Phạm Thị Huân (Giám đốc Công ty Ba Huân), muốn gỡ nút thắt, cần phải khơi thông được đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. “Nhiều rào cản mà một mình DN không thể giải quyết được. Chính phủ và các cơ quan chức năng phải vào cuộc, bắt tay để DN, nông dân tiếp cận thị trường quốc tế mới tháo gỡ được đầu ra”, bà Huân đề xuất.
Tổng giám đốc CTCP Austfeed VN, ông Đào Mạnh Lương, chia sẻ không chỉ VN mà nông dân nhiều nước cũng gặp khó khăn thời gian qua. Tại Tây Ban Nha, giá lợn cũng giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg. Nhưng ở các nước này sản xuất theo CNC, chính phủ hỗ trợ đầu ra tốt, trong khi VN lại quá tập trung vào 1 - 2 thị trường như Mỹ, Trung Quốc.
“Tại sao không đàm phán với cộng đồng ASEAN gần gũi, dễ vào với 600 triệu dân? VN đứng thứ 2 xuất khẩu gạo, thứ nhất Đông Nam Á về nuôi lợn, vì sao không làm sản phẩm chế biến từ lợn xuất đi Myanmar, Philippines, Indonesia… Chỉ cần phục vụ 200 triệu dân là quá đủ cho đầu ra”, ông Lương đặt vấn đề và kiến nghị Chính phủ kiến tạo chính sách CNC, nông nghiệp sạch nhưng phải định hướng, triển khai như thế nào để người nông dân, DN tham gia được cuộc chơi này an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.