VN có thể trở thành cửa ngõ để vào thị trường ASEAN

26/10/2016 06:00 GMT+7

Quan hệ song phương giữa VN và Hà Lan đang ngày càng được tăng cường, phù hợp với xu hướng phát triển hợp tác giữa ASEAN và EU.

Ngày 24 và 25.10, Thứ trưởng phụ trách ngoại thương thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan Marten van den Berg có chuyến công du VN cùng phái đoàn đại diện của 34 công ty và các viện nghiên cứu, trường đại học... Nhân dịp này, ông Marten van den Berg trả lời Thanh Niên về triển vọng hợp tác song phương và ASEAN trong bối cảnh VN và Hà Lan đều là những thành viên nòng cốt của cộng đồng kinh tế khu vực.
Thứ trưởng có thể cho biết doanh nghiệp Hà Lan đánh giá thế nào về thị trường VN nói chung và ASEAN nói riêng?
Trong số các nước EU, Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của VN. Ngoài ra, tính đến hết năm 2015 thì chúng tôi cũng là nhà đầu tư lớn nhất của EU vào VN. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của VN vào Hà Lan đạt 4,7 tỉ USD. Những thập niên vừa qua, đất nước của các bạn đã có bước phát triển rất lớn về kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 7%/năm. Trong đà phát triển và hiện đại hóa của VN, các công ty Hà Lan có thể đưa ra nhiều lựa chọn thích hợp vì thế mạnh của chúng tôi là kỹ thuật và công nghệ. Cụ thể, chính nhờ kỹ thuật và công nghệ cao mà Hà Lan tuy có diện tích nhỏ bé nhưng là nước xuất khẩu nông nghiệp đứng thứ 2 thế giới. Chúng tôi hoàn toàn có thể hợp tác với doanh nghiệp VN để tạo giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của các bạn.
ASEAN có rất nhiều điểm tương đồng với EU. Cả hai khối đang có một yếu tố then chốt để hỗ trợ thương mại và đầu tư, đó là tổ chức thị trường chung. ASEAN đã có một bước rất quan trọng là thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Mặt khác, Hà Lan có thể xem là cửa ngõ ra vào EU vì chúng tôi có hải cảng lớn nhất trong khối và một sân bay là điểm trung chuyển quan trọng trong khu vực. VN cũng có thể đóng vai trò tương tự tại ASEAN, đặc biệt là mở đường cho hợp tác ASEAN - EU nhờ Hiệp định thương mại tự do EU - VN.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác Hà Lan - ASEAN và những thành viên ASEAN nào là đối tác lớn của Hà Lan?
Nếu các bạn nhìn vào các nền kinh tế ASEAN trong thời gian gần đây và trong thập niên qua, các bạn sẽ thấy đó là một điều kỳ diệu ở châu Á. Nhiều nước ASEAN có khuynh hướng xây dựng nền kinh tế dựa trên xuất khẩu và họ có thể chiếm được vị trí vững mạnh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, Hà Lan là một trong những quốc gia toàn cầu hóa nhất trên thế giới, cũng tập trung mạnh vào xuất khẩu, kinh doanh và đầu tư quốc tế. Chúng ta có thể thấy nhiều mối liên kết giữa Hà Lan và các nước ASEAN.
Hà Lan có quan hệ rất gần gũi với các nước ASEAN, trong đó có VN. Một mặt vì các vấn đề thách thức của VN cũng tương đồng với các thách thức chúng tôi phải đối mặt như vấn đề phải giải quyết về cơ sở hạ tầng, kho vận, giải quyết các vấn đề ở vùng đồng bằng và quản lý nước. Theo tôi, có một mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa Hà Lan với VN về vấn đề quản lý tài nguyên nước và phát triển các bến cảng. VN là một trong những quốc gia mà chúng tôi trông đợi có được quan hệ dài hạn và bền vững.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về tác động của Hiệp định tự do thương mại EU - VN (EU - VN FTA) lên hợp tác kinh tế song phương?
EU - VN FTA sẽ sớm được phê chuẩn và một khi có hiệu lực, sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên của EU với VN. Chuyến thăm lần này cũng là cơ hội để các công ty Hà Lan và đối tác của họ hiểu rõ hơn về hiệp định. Chúng tôi rất mong muốn qua EU - VN FTA sẽ là điều kiện để tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, chẳng hạn về quản lý nông nghiệp, nguồn nước, tài chính, giao thông…
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về quan điểm “thương mại xanh” của Hà Lan?
Tôi vừa dự hội thảo về kinh doanh bền vững tại VN. Chúng tôi đã thảo luận với đại diện các doanh nghiệp Hà Lan và VN về việc xây dựng một mô hình thương mại bền vững. Đây là một phần của chiến dịch Ngày mai xanh do các cơ quan đại diện ngoại giao Hà Lan tại VN khởi xướng. Trong đó, các công ty tư nhân đóng vai trò chủ chốt để tiến tới “phát triển xanh”. Chúng tôi mong muốn sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp ý thức hạn chế các nguy cơ ô nhiễm môi trường, và trong chiến lược của mỗi công ty sẽ có phần quan trọng dành cho phát triển bền vững. Hà Lan mong muốn được cùng VN tìm ra giải pháp cho các vấn đề như quản lý chất thải, quản lý nguồn nước và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
Xin cảm ơn ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.