Vinasun kiện Grab: Thua không thể đổ lỗi cho đối thủ mạnh hơn

13/10/2018 12:01 GMT+7

Dai dẳng đeo bám vụ kiện "tố" Grab làm sụt giảm doanh thu, đẩy các hãng taxi truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản, Vinasun đang khiến cả người tiêu dùng lẫn giới chuyên gia ngán ngẩm.

Tiên trách kỉ, đừng đổ lỗi cho Grab
Hơn 7 tháng dùng dằng kể từ ngày đâm đơn kiện, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vẫn miệt mài theo đuổi vụ kiện "Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" đối với Công ty TNHH GrabTaxi (Grab). Theo đơn khởi kiện, Vinasun cáo buộc Grab làm giảm doanh số, vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 của Bộ GTVT, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử; vi phạm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải. Đại diện Vinasun khẳng định hành vi của Grab đã khiến 8.000 lao động của Vinasun mất việc cũng như hàng trăm xe phải ngưng hoạt động. Từ cáo buộc này, Vinasun yêu cầu Grab bồi thường một lần là 41,2 tỉ đồng.
TS Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM cho rằng trong cơ chế kinh tế thị trường mở, nhà nước và luật pháp mở rộng cho mọi cá nhân, tổ chức được quyền sản xuất, tiến hành tất cả các hoạt động kinh doanh mà luật pháp không cấm. Mô hình ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab hoạt động phù hợp với nhu cầu phát triển, hợp pháp thì không những được chấp thuận mà pháp luật còn phải đứng ra bảo hộ cho DN, như đã từng bảo hộ cho các hãng taxi truyền thống trước đây. Vinasun không thể đổ lỗi vì Grab ra đời nên doanh thu sụt giảm vì nếu không có Grab, cũng sẽ có rất nhiều các DN khác tương tự "nhảy" vào thị trường này mà điển hình như Uber trước đây hay Go- Viet, Go-Fast... hiện nay. 
Theo ông Phước, trong cơ chế thị trường đòi hỏi các DN phải cạnh tranh sòng phẳng. Các DN taxi truyền thống không "chơi" lại được với DN công nghệ thì phải tự xem lại bản thân mình. Phải tính toán thay đổi bộ máy, cơ chế, cách thức quản lý, cơ chế giá, dịch vụ để đủ sức chiến đấu. Trong thời đại 4.0, tất cả các DN buộc phải đổi mới để thích nghi và bắt kịp với guồng quay thế giới. "Đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận, khi thua không thể đổ lỗi do địch mạnh hơn. Vinasun có thua lỗ thì nên tự trách mình trước, việc than vãn chỉ là tự khóc cho mình" - LS Phước nói thẳng.
Trước đó, lùm xùm việc lãnh đạo Vinasun yêu cầu tài xế dán đề can phản đối Uber, Grab rồi đổ lỗi cho các tài xế. Đặc biệt sau khi Vinasun thay đổi mô hình hoạt động sang nhượng quyền thương mại, khoán xe cho tài xế với mức 700.000 - 800.000 đồng/ngày nhiều tài xế đã chuyển sang các hãng khác.

Anh Trần Mạnh Chiến (quận 5, TP.HCM) đã chuyển qua chạy Grab được gần 1 năm sau khoảng 5 năm làm tại Vinasun cho biết anh không ký vào hợp đồng khoán xe vì như vậy đồng nghĩa với việc tài xế sẽ không phải là nhân viên chính thức của hãng, không có bảo trợ về các loại bảo hiểm, trợ cấp xã hội. Trong khi đó, tuy mức khoán không phải cao so với các hãng khác nhưng với chất lượng xe đã xuống cấp như hiện nay, lỡ "vớ" phải xe cũ quá thì cũng khá chật vật.

Quan trọng là lợi ích người tiêu dùng
Giá cước rẻ, khuyến mãi nhiều, hành trình đặt xe minh bạch, khách hàng trở thành chủ thể chủ động nắm bắt mọi thông tin, nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng ngày càng tăng lên, không thể phủ nhận sau 2 năm hoạt động thí điểm tại Việt Nam, Grab đã chứng minh mô hình hoạt động mới mẻ này mang đến nhiều sự thay đổi tích cực. Luật sư Ngô Hữu Phước nhận định sự xuất hiện của Grab đã thay đổi hoàn toàn bức tranh thị trường vận tải tại Việt Nam. Cụ thể khi chưa có sự tham gia của công nghệ, taxi truyền thống một mình một chợ, độc quyền, chất lượng phục vụ không cao, dù là các hãng lớn nhưng Vinasun hay Mai Linh cũng không đáp ứng được hết nhu cầu đi lại quá cao của xã hội. Điều này dẫn đến cầu cao, cung thấp, giá cả cao đối với người tiêu dùng. Chưa kể việc đặt xe thông qua tổng đài khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức.
"Từ khi có taxi công nghệ, khách hàng có thêm sự lựa chọn mới, văn minh, hiệu quả, nhanh gọn, tiện lợi. Có thêm đơn vị tốt, giá cả cũng cạnh tranh hơn, mặt bằng giá dịch vụ vận tải giảm xuống, người sử dụng được lợi về cả thời gian, tiền bạc, công sức, tinh thần. Bản thân các hãng taxi truyền thống cũng phải vận động thay đổi, ứng dụng công nghệ, cải thiện dịch vụ để cạnh tranh. Xét một cách tổng thể, Grab đã mang đến những tác động rất tốt cho cả kinh tế và xã hội" - ông nói.
Đồng tình, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM đánh giá việc các hãng taxi truyền thống phản đối là do từ trước đến giờ họ độc quyền, nay bị một hãng khác cạnh tranh, mất thị phần nên xảy ra mâu thuẫn là điều đương nhiên. Taxi công nghệ giá rẻ, lại không phải lo ngại đồng hồ nhảy linh tinh hay tài xế chạy lòng vòng để tăng phí nên người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng vào những giờ cao điểm, taxi công nghệ đẩy giá cao hơn taxi truyền thống thì người tiêu dùng lại quay sang chọn đi taxi truyền thống. Điều đó chứng tỏ cứ giá rẻ, tiện lợi thì sẽ được người dân sử dụng. Vậy để cạnh tranh, taxi truyền thống phải tìm ra cách giải quyết, có những kiến nghị với nhà nước để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho cả 2 loại xe. Vấn đề Uber, Grab có vi phạm pháp luật hay không, có trốn thuế hay không đã có cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước lo, người tiêu dùng không quan tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.