Vinaconex đang lâm nguy vì Hội đồng quản trị bị vô hiệu

Lê Quân
Lê Quân
03/04/2019 14:10 GMT+7

Nội bộ Vinaconex lục đục; sau khi TAND quận Đống Đa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11.1, Vinaconex đang lâm nguy vì HĐQT bị vô hiệu .

Sau khi Tòa án nhân dân (TAND) quận Đống Đa (Hà Nội) ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11.1, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (Vinaconex), do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch, bị vô hiệu. Vinaconex lâm vào tình thế khá nguy hiểm. Thông tin nội bộ Vinaconex lục đục khiến cổ phiếu VCG của đơn vị này giảm giá, bốc hơi khoảng hơn 1.200 tỉ đồng.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, xác nhận sau quyết định của TAND quận Đống Đa, HĐQT Vinaconex bầu ra trong đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11.1 vừa qua bị vô hiệu hóa. Cổ phiếu của Vinaconex lập tức giảm giá trị mất khoảng hơn 1.200 tỉ đồng.
Theo ông Dương Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Vinaconex, thành viên HĐQT Vinaconex, theo quyết định của tòa án thì không phải là hủy bỏ Nghị quyết đại hội đồng cổ đông ngày 11.1, mà là áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết này.
Theo đó, các nghị quyết mới của HĐQT Vinaconex do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch, sẽ không duyệt thông qua nữa. “Sau khi TAND quận Đống Đa có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chúng tôi có trách nhiệm nộp đầy đủ hồ sơ đến tòa để họ thụ lý vụ kiện này, giải quyết theo quy định", ông Mậu nói.
Ông Mậu cho hay, hiện nay, Ban điều hành của Vinaconex vẫn triển khai mọi công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ như bình thường. Tuy nhiên, một cố công việc liên quan đến HĐQT sẽ không được thông suốt.
Tòa nhà ở 34 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội nơi đặt trụ sở của Vinaconex Ảnh Trần Cường
Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật AIC, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết với tư cách là luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Vinaconex, rất lo lắng đối với quyết định của TAND quận Đống Đa.
“Quyết định của TAND quận Đống Đa có ý nghĩa là tạm dừng thực hiện Nghị quyết đại hội cổ đông ngày 11.1 của Vinaconex, đồng nghĩa là HĐQT Vinaconex hiện nay do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch không được làm bất cứ việc gì. Nếu có làm, trong thời điểm tạm dừng, là vi phạm. Tòa đã đặt tất cả cổ đông, HĐQT của Vinaconex vào thế cực kỳ khó”, ông Sơn nói.
“Nếu sau này Nghị quyết đại hội cổ đông ngày 11.1 của Vinaconex bị hủy bỏ thì tất cả những nghị quyết cuộc họp, các biên bản cuộc họp của HĐQT do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch trước đây kể từ Đại hội đồng cổ đông bất thường cho đến thời điểm tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và sau này nếu có ra bất kỳ văn bản nào khác là vô hiệu. Vậy, tổ chức hoạt động của Vinaconex sẽ như thế nào? Những văn bản mà HĐQT do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch đã ban hành trước đây thì xử lý như thế nào? Các văn bản HĐQT do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch giao cho tổng giám đốc, các ban, các công ty con của Vinaconex để thực hiện nhiệm vụ, theo luật là không có giá trị. Đấy là tình thế rất nguy hiểm cho Vinaconex hiện nay”, luật sư Sơn phân tích. 
Dự án ngàn tỉ của Vinaconex và Công ty CP địa ốc Phú Long cùng sở hữu mỗi bên 50% ở An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang là một trong nhiều nguyên nhân khiến nội bộ Vinaconex lục đục. Hiện dự án vẫn đang bị bỏ hoang gây lãng quỹ đất hàng trăm héc ta Ảnh Lê Quân
“Các dự án lớn cần thiết phải có ý kiến của HĐQT và có nghị quyết HĐQT thông qua gửi lên, yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện việc này, việc kia, chuyển đổi cái này, cái kia, coi như không có. Mà chỉ có Ban điều hành, tức là chỉ có từ Tổng giám đốc trở xuống thực hiện các công việc theo điều lệ của Vinaconex và quyết định điều lệ của đại hội cổ đông trước đây, mới có hiệu lực. Điều mà Vinaconex đang đối mặt, nguy hiểm là vậy”, ông Sơn nói thêm.
Đặt giả thiết bây giờ HĐQT mới dừng hoạt động, các thành viên HĐQT cũ quay lại hoạt động, lại ra các quyết định mang tính quyết sách đường đi nước bước cho Vinaconex, nhưng thời gian sau, tòa xem xét vụ kiện xong, tuyên công nhận HĐQT Vinaconex mới được bầu là hợp pháp, thì việc đưa HĐQT cũ vào hoạt động thì tất cả văn bản của HĐQT cũ này sẽ lại vô hiệu, ông Sơn tiếp tục nhấn mạnh: Vinaconex đang lâm vào thế khó khăn, nguy hiểm.
Ngày 27.3, TAND quận Đống Đa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại điều 127 của bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 buộc Vinaconex phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019/NQ – ĐHCĐ ngày 11.1.2019.
Ngay sau đó, Vinaconex có 2 văn bản khiếu nại với cùng nội dung được gửi vào ngày 28.3 và 29.3 tới Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân quận Đống Đa và Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân TP.Hà Nội. Vinaconex cho rằng, quyết định này của tòa có hiệu lực ngay và lập tức đình chỉ toàn bộ hoạt động của HĐQT của Vinaconex, làm đình trệ hoạt động của Công ty, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Đến ngày 2.4, TAND quận Đống Đa tiếp tục có văn bản bác bỏ việc khiếu nại của Tổng giám đốc Vinaconex.
Theo TAND quận Đống Đa, việc buộc Vinaconex dừng thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11.1 cho đến khi có phán quyết cuối cùng của tòa là phù hợp với quy định của pháp luật và cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, cũng như các cổ đông của Vinaconex, tránh hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho đơn vị này và các cổ đông.
Từ đó, TAND quận Đống Đa xác định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc dừng thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019/NQ – ĐHCĐ ngày 11.1.2019 của Vinaconex, cụ thể là việc bầu 7 thành viên HĐQT do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch và 5 thành viên Ban kiểm soát là có căn cứ pháp luật.
Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông do Công ty TNHH An Quý Hưng (sở hữu 57,7% cổ phần Vinaconex) chiếm số lượng đại đa số trong HĐQT sẽ phải dừng thực hiện quyền lực tại Vinaconex.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.