Việt Nam thuộc top chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu Anh rời châu Âu

14/06/2016 17:39 GMT+7

Khi các cuộc thăm dò ngày càng cho thấy nước Anh đang đứng rất sát cánh cửa rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các thị trường châu Á ít nhiều chịu biến động.

Theo The Wall Street Journal, hôm 13.6, cổ phiếu trên toàn khu vực châu Á giảm mạnh. Chỉ số Nikkei Stock Average mất 3,5%. Các nhà đầu tư đổ xô tìm về tài sản trú ẩn an toàn, lợi tức trái phiếu chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ở quanh mức thấp kỷ lục.
Yen Nhật - đồng tiền được xem là an toàn nhất để nắm giữ ở châu Á - mạnh lên. So với euro, yen Nhật xóa sạch mức giảm kể từ khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt tay vào nỗ lực nới lỏng lớn hơn ba năm trước đây.
Biến động mạnh kể trên thể hiện mức độ lo lắng của giới đầu tư về cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 23.6 sắp tới, quyết định trạng thái thành viên của Anh trong EU. Đến nay, nhiều cuộc khảo sát cho thấy người dân nước này đang nghiêng về cảnh Brexit, tức nước Anh rời EU.
Chuyện Brexit có thể gây gián đoạn nền kinh tế châu Âu và làm tổn thương xuất khẩu châu Á. Kết quả nói “có” với việc rời Liên minh châu Âu sẽ khiến các thị trường bất ngờ, nhà đầu tư có thể tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, trong đó bao gồm các thị trường mới nổi ở châu Á. Sự hấp dẫn của tài sản trú ẩn được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng thị trường tiền tệ, đồng yen leo cao và gây rắc rối cho một trong số những nền kinh tế lớn nhất châu Á.
“Giới đầu tư lo lắng rằng kịch bản kinh tế toàn cầu trì trệ sẽ trở lại và khả năng Brexit làm trầm trọng thêm mối lo đó”, Khiem Do, nhà quản lý quỹ tại hãng Baring Asset Management ở Hồng Kông cho hay. Nếu Anh rời EU, ông Do cho biết nhà đầu tư sẽ chờ các ngân hàng trung ương đưa cách vực dậy tăng trưởng. Đến nay, “họ không tin các ngân hàng trung ương và chính phủ có thể hành động đủ nhanh để đối phó trước tình huống xấu nhất”, ông Do nói.
Thêm vào đó, có một số lý do khác để khiến châu Á căng thẳng trong tuần này: cả BOJ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều sắp công bố các quyết định chính sách mới nhất của họ, hãng MSCI Inc. sẽ công bố việc liệu chứng khoán Trung Quốc có nên được thêm vào một trong các chỉ số của họ hay không.
Tổng thể, kim ngạch xuất khẩu từ châu Á đến Anh quốc chiếm 0,7% nền kinh tế khu vực, theo Capital Economics. Với kịch bản ảm đạm nhất, Capital Economics cho hay mức giảm 25% trong nhu cầu nhập khẩu từ châu Á của Anh sẽ khiến GDP khu vực mất ít hơn 0,2%.
Kim ngạch xuất khẩu đến Anh của một số thị trường châu Á tính bằng phần trăm GDP. Campuchia, Việt Nam, Hồng Kông, Bangladesh và Singapore là các nước có quan hệ thương mại khá mạnh với Anh Ảnh chụp màn hình The Wall Street Journal
Tuy nhiên một số thị trường châu Á có thể chịu thiệt hại nhiều hơn. Trong số các thị trường mới nổi ở khu vực thì Việt Nam, Campuchia và Hồng Kông có mối quan hệ thương mại tương đối mạnh với nước Anh, khi xét tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính bằng phần trăm GDP của ba nước và vùng lãnh thổ này đến quốc gia châu Âu.
Thêm vào đó, nếu Brexit kích hoạt đợt rút vốn lớn tại các thị trường mới nổi, Ấn Độ và Malaysia sẽ là hai nước chịu thiệt hại nặng nhất. Ấn Độ có thâm hụt tài khoản vãng lai khiến chính phủ nước này gặp khó khi đối phó với luồng vốn thoái, còn Malaysia thì có số nợ bằng ngoại tệ lớn đang phải thanh toán trong ngắn hạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.