Việt Nam nhiều khả năng 'thua' trong cuộc chiến đòi nợ thuế Uber

11/04/2018 09:47 GMT+7

Năm 2017, Cục Thuế TP.HCM ra quyết định truy thu và phạt Uber B.V tổng số tiền 66,68 tỉ đồng.

Sau đó, phía Uber đã nộp 13 tỉ đồng, số còn lại 53,3 tỉ đồng công ty không đồng ý nộp vì cho rằng họ chỉ khấu trừ thuế với các đối tác từ khi có Công văn 11828 của Bộ Tài chính từ 24.8.2016.
Việc Cục Thuế TP.HCM hồi tố lại trước thời điểm có công văn của Bộ Tài chính là không hợp lý. Trong khi khoản nợ nói trên vẫn còn “treo” tại Cục Thuế TP.HCM và thậm chí phía Uber B.V (trụ sở chính tại Hà Lan) đã đâm đơn kiện ra tòa án TP.HCM thì xảy ra việc doanh nghiệp này bán lại cho Grab.
Phía Bộ Tài chính lẫn Cục Thuế TP.HCM đều khẳng định phía Grab phải trả nợ thay. Bởi theo quy định, bên nhận sáp nhập sẽ kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của bên được sáp nhập. Tuy nhiên, khi trả lời báo chí mới đây, phía Grab khẳng định không có nghĩa vụ thanh toán nợ thuế thay cho Uber. Đại diện Grab nhấn mạnh không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại VN. Do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế. Cục Thuế TP.HCM cho biết vẫn đang chờ báo cáo từ Grab nên chưa có phương án xử lý cụ thể.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích: Nếu Uber đăng ký pháp nhân ở VN thì khi sáp nhập, Grab sẽ phải kế thừa mọi quyền lợi và nghĩa vụ của Uber như quy định đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhưng Uber không có pháp nhân ở VN. Vì vậy về pháp lý, không có quy định nào cho trường hợp này.
Số tiền thuế còn nợ mà Uber không chấp nhận đóng cho Cục Thuế TP.HCM là số tiền của tài xế phải nộp. Nếu xét về pháp lý, văn bản của Bộ Tài chính cũng không phải là văn bản quy phạm để mang tính hồi tố. Vấn đề quan trọng nhất là hành lang pháp lý của VN hoàn toàn không theo kịp những vấn đề phát sinh trên thị trường.
“Cục Thuế TP.HCM xin ý kiến, các cơ quan quản lý cấp trên bàn bạc kéo dài hơn 1 năm trời mới ra được văn bản truy thu thuế đối với Uber. Thời gian càng kéo dài thì số tiền nợ thuế càng lớn. Hiện nay khi Uber hoàn toàn ngưng hoạt động tại VN thì việc đòi nợ thuế này làm sao thực hiện? Đó là chưa kể chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc xác định loại hình kinh doanh của nó là taxi hay không phải taxi và việc tranh cãi này cũng kéo dài quá lâu. Vấn đề của cơ quan thuế là phải có quyết định nhanh hơn để tránh thất thoát thuế nếu có của các doanh nghiệp nước ngoài trong những trường hợp tương tự. Bởi sẽ ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới khác trong tương lai khi cuộc cách mạng công nghiệp đang bùng nổ”, luật sư Trần Xoa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng phía VN nhiều khả năng sẽ “thua” trong cuộc chiến đòi nợ thuế Uber nếu áp dụng theo các quy định hiện hành. Khi Uber ngưng hoạt động và ở tận Hà Lan thì không thể ép được đơn vị này bỏ tiền ra nộp thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế có thể xem xét và căn cứ vào thỏa thuận cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Grab với Uber trong hợp đồng chuyển nhượng để có phương án xử lý khoản nợ thuế của Uber. Đây là hệ quả của việc không hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước nên mọi việc sẽ khó xử lý hơn khi doanh nghiệp đã bán lại cho đối tác khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.