Việt Nam lợi gì với Hiệp định thương mại RCEP sau khi đã có CPTPP, EVFTA?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/11/2020 12:19 GMT+7

RCEP tuy không giúp mở cửa thêm nhiều thị trường mới nhưng sẽ là sự bổ sung giá trị để Việt Nam đáp ứng tốt hơn yêu cầu về quy tắc xuất xứ, qua đó tận dụng tốt hơn các thị trường hiện nay.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), nhấn mạnh tuy hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không giúp Việt Nam mở cửa thêm thị trường mới nhưng sẽ là sự bổ sung vô cùng giá trị để Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về quy tắc xuất sắc, qua đó tận dụng tốt hơn các thị trường hiện nay.
RCEP có thể coi là hiệp định đa phương lớn cuối cùng mà Việt Nam tham gia. Mặc dù phải trải qua 8 năm đàm phán để đi đến phiên ký kết hôm qua, 15.11, song dường như so với CPTPP, EVFTA thì ít được các chuyên gia, truyền thông trong nước nhắc đến hơn.
Tuy nhiên, chia sẻ với Thanh Niên, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho rằng ý nghĩa của nó không vì thế mà kém to lớn, thậm chí có sự bổ sung rất lớn để Việt Nam tận dụng tốt hơn các thị trường mà các hiệp định trước đã mở ra.
“Trước đây, chuỗi cung ứng phân mành ra, ví dụ với Nhật, Úc, Newzealan, dù ta đều có hiệp định nhưng quy định về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thì mỗi cái theo một quy định riêng, tiêu chuẩn riêng nên không áp dụng chung cho nhau được. Thì giờ đây, với RCEP, sự hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia sẽ giúp các thị trường dùng chung được”, ông Thái phân tích, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, điều này sẽ giúp hàng hoá Việt cải thiện được khâu yếu là đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ.
Vì thế, RCEP nhìn quan thì không thấy mở cửa thị trường mới nhưng sẽ là "cú hích" cho xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cũng cho rằng nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand...
Cùng với đó, theo bà Trang, trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA nên không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Trong khi đó, RCEP với một số nước vốn là các nhà cung cấp rất nhiều nguyên liệu đầu vào cho hàng xuất khẩu của chúng ta, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, sẽ giúp cho hàng Việt đơn giản hoá bài toán về quy tắc xuất xứ để tận dụng tối đa lợi thế hưởng ưu đãi thuế quan.

Hài hoà quy tắc xuất xứ

Bộ Công thương cũng nhận định, Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27.000 tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Cùng với đó, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của nước ta.
Thứ ba, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
"Theo một số nghiên cứu độc lập, ví dụ như của Ngân hàng Thế giới, thì việc chúng ta chủ động cải cách, đơn gian hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước.
Đặc biệt, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các FTA trước đây, chúng ta cùng một số nước ASEAN đang trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Các lợi ích này thường mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế”, Bộ Công thương cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.