Việt Nam là thị trường lạc quan nhất về thương mại

Thanh Xuân
Thanh Xuân
05/11/2019 16:46 GMT+7

Theo báo cáo “HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp ” của HSBC, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam thị trường lạc quan nhất về thương mại, kỳ vọng doanh số bán lẻ tăng trưởng trong năm tới.

39% doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng năm sau tăng trưởng doanh số bán lẻ 15% (cao hơn con số trung bình toàn cầu) và gần như 100% doanh nghiệp đều lạc quan về doanh số bán lẻ trong vòng 5 năm tới.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho hay: “Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất về thương mại quốc tế và các doanh nghiệp có lý do để lạc quan. Nền kinh tế Việt Nam đang ở vào vị thế rất tốt, với mức tăng trưởng 7,1% năm 2018, cao nhất trong vòng 10 năm vừa qua và động lực cho 2019 được duy trì khi tăng trưởng quý 3 vừa được công bố ở mức 7,31%. Thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đang gia tăng, lĩnh vực sản xuất đang phát triển mạnh mẽ và khu vực dịch vụ đang góp phần quan trọng trong tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Việt Nam vẫn duy trì động lực tốt để tận dụng được những lợi ích từ thương mại quốc tế trong những năm tới”.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty Việt Nam lạc quan khi nói tới những tác động của thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp quốc tế cho rằng thương mại quốc tế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mang lại những cơ hội kinh doanh mới cũng như gia tăng hiệu quả. Hơn một phần ba doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng các công nghệ số để tăng cường chuỗi cung ứng, gia tăng tốc độ đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường và tiến tới gần hơn với người tiêu dùng. Với việc thiếu hụt nhân lực có kỹ năng tiếp tục là rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đang cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ và đầu tư vào kỹ năng mới cho đội ngũ lao động. Các công ty Việt Nam đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững đối với sự tồn tại lâu dài.
Ông Evans cho rằng “Các công ty Việt Nam đang ngày càng nhận thức rõ rằng thương mại quốc tế có thể đóng góp vào việc định hình tương lai của đất nước, đưa Việt Nam hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, trở nên tân tiến hơn về công nghệ và trở thành một nền kinh tế năng động hơn. Để đối phó với rủi ro địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ, các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội liên doanh và tiến hành kinh doanh qua mạng. Tìm kiếm nguồn cung trong nước và nắm bắt nguồn cung nguyên liệu thô và năng lượng cũng là những chiến lược để giảm thiểu rủi ro này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.