Việt Nam có những tập đoàn mạnh, cần thúc đẩy nội lực để tự cường

27/05/2021 18:47 GMT+7

‘Chúng ta có các tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt như Vingroup, Sungroup, T&T, FLC… Không nên ‘vọng ngoại’ quá, mà phải chú ý nội lực. Chúng ta hoàn toàn có thể tự lực, tự cường được’, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

Chiều 26.5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế”. Tham dự tọa đàm có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc; Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng và ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.
Tọa đàm

Tọa đàm "Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế"

Ảnh: Quang Hiếu

Bỏ tư tưởng “vọng ngoại”

Bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư theo mục tiêu kép “vừa chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế” của Chính phủ, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết thu hút đầu tư nước ngoài rất quan trọng.
“Nhưng nếu chúng ta muốn hùng cường, muốn hoá rồng hoá hổ thì dứt khoát phải công nghiệp hoá được, phải có doanh nghiệp đầu đàn, Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và như vậy chúng ta có thể vươn lên cạnh tranh với thế giới được. Nếu hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài thì chúng ta không thể làm chủ tương lai công nghiệp của Việt Nam”, ông Dũng nói.
Cùng quan điểm này, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định phải chú ý nội lực, tìm yếu tố nội sinh.
“Kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt như Vingroup, Sungroup, T&T, FLC… Trong từng lĩnh vực chúng ta đã hình thành những đại bàng lớn nhưng làm sao phải bỏ tư tưởng “vọng ngoại”, chỉ có nước ngoài mới đầu tư”, ông Vân nói và nhấn mạnh nguồn lực trong nước nhiều, đủ để chúng ta hoàn toàn có thể tự lực, tự cường được.
Như vậy, câu chuyện “lót ổ cho đại bàng” cần hiểu không nhất thiết là “đại bàng ngoại”, mà phải là cả “đại bàng nội”. Và để thu hút cả hai đối tượng này cần chú ý môi trường pháp lý, rà soát thể chế nhà nước, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, công nghệ... Nói cách khác là luật lệ, luật chơi phải hấp hẫn thì các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước mới sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư.
Để làm được điều này, cần đặt ra vấn đề là phân công giữa hai khu vực công và tư như thế nào.
“Nhiều nghị quyết của Đảng xác định là những gì tư nhân không làm được thì Nhà nước mới làm. Đó chính là vai trò trụ cột của doanh nghiệp Nhà nước, đặt lợi ích công ích lên trên, còn lại tạo ra các giá trị về kinh tế thì phải trao cho xã hội và đặc biệt là lực lượng tư nhân - sứ mệnh của họ là làm giàu…
Phải tạo ra một sân chơi thực sự bình đẳng từ huy động vốn cho đến quy hoạch, cho đến những ứng xử khác thì mới hấp dẫn đầu tư trong nước”, ông Vân cho hay.
Một dẫn chứng được ông Vân đề cập là chế độ hợp đồng với tư cách là Nhà nước, các hợp đồng giữa Nhà nước với tư nhân, giữa tư với tư, công với tư. Nhà nước với vai trò, công cụ là chủ thể của quản lý phải duy trì được tính công bằng khách quan để bảo vệ được điều khoản trong hợp đồng.
“Ví dụ như một doanh nghiệp đến tỉnh A, môi trường pháp lý lúc đó người ta đầu tư được nhưng sau khi đầu tư xong rồi lại thay đổi quy hoạch, luật chơi khác thì ai bảo vệ lợi ích cho họ, bù lại bằng hoàn lại vốn và lãi suất ngân hàng thì ai tin tưởng mà đầu tư nữa? Tôi muốn nói là chế độ hợp đồng trong các quan hệ kinh tế, Nhà nước phải bảo đảm được cho họ”, ông Vân nhấn mạnh.
Kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những Tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt như FLC…

Kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những Tập đoàn hùng mạnh, có tính dẫn dắt như FLC…

Ảnh: Bamboo Airways

Vaccine thể chế

Để tăng cường thích ứng, chống chịu và sống chung với dịch của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, các biện pháp cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính cần mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
“Năm 2020, chúng ta đã đề ra những chính sách đồng bộ, toàn diện và thực hiện thành công ở nhiều lĩnh vực nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa đồng đều. Một số khâu, lĩnh vực thực hiện rất tốt, một số khâu rất chậm nên đối tượng thụ hưởng đã không được thụ hưởng các chính sách này…”.
Những quy định của Nhà nước cũng cần linh hoạt hơn trong điều kiện dịch bệnh, để bảo đảm doanh nghiệp có thể xây dựng được mô hình kinh doanh linh hoạt và có khả năng chống chịu; điều đó là vô cùng cần thiết hiện nay.
Bên cạnh vaccine y tế, cần có một vaccine về thể chế và cấu trúc của doanh nghiệp, cần phải có một hệ thống chính sách hợp lý của Nhà nước yểm trợ cho việc hình thành một mô hình, tăng cường khả năng chống chịu”, ông Lộc nói và cho biết rất mong muốn đề nghị với Quốc hội sẽ có một nghị quyết đặc biệt giao quyền cho Chính phủ trong việc chủ động triển khai các biện pháp thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh.
Bởi khi triển khai các giải pháp đặc biệt về phát triển kinh tế trong bối cảnh Covid-19, sẽ có những vấn đề có thể đụng đến các quy định pháp luật.
“Nếu kỳ họp tới, Quốc hội ra nghị quyết vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật thông thường thì đây có thể là một giải pháp để giúp Chính phủ ứng phó nhanh hơn với dịch bệnh và phát triển kinh tế”, Chủ tịch VCCI cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.