Việt Nam chi hơn 750 triệu USD mua thịt và các sản phẩm thịt trong nửa năm

14/08/2021 14:32 GMT+7

Trong đó, mua từ Nga tăng gấp hơn 5 lần cả lượng lẫn giá trị, với 33.860 tấn có tổng trị giá lên đến 93,38 triệu USD.

Thịt heo đông lạnh nhập từ Nga tăng hơn 400%

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 379.640 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt với giá trị kim ngạch đạt 750,7 triệu USD; tăng gần 24% về lượng và tăng 53,7% về trị giá, ước tính giá nhập khẩu bình quân đạt 1.977 USD/tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, riêng nhóm hàng thịt heo lạnh và đông lạnh, 6 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 80.850 tấn với tổng trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% về lượng và tăng 144,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, giá thịt heo đông lạnh nhập khẩu trung bình khoảng 2.314 USD/tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình mỗi kg thịt heo nhập khẩu về Việt Nam có giá hơn 2,3 USD/kg chưa bao gồm các loại thuế phí, tương đương hơn 50.000 đồng/kg.
Theo thống kê, Ấn Độ hiện là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong nửa đầu năm, với 65.920 tấn, trị giá hơn 213 triệu USD, tăng 69,5% về lượng và tăng 79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, riêng mặt hàng thịt heo đông lạnh, hiện Nga là thị trường cung cấp thịt heo đông lạnh lớn nhất của Việt Nam. Trong 6 tháng, có khoảng 33.860 tấn thịt heo từ Nga cập cảng Việt Nam với tổng trị giá 93,38 triệu USD, tăng tới hơn 414% về lượng và tăng 405% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu thịt heo từ Nga đạt trung bình 2.757 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá heo hơi sẽ biến động nhẹ trong tuần tới

Trong khi đó, theo Bộ NN-PTNT, trong nửa đầu năm nay, sản lượng thịt heo xuất chuồng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 11,6%. Dự báo, trong quý 3, sản lượng thịt heo trên cả nước đạt khoảng 884.000 tấn, tăng 4,5%. Chăn nuôi heo đã hồi phục gần bằng mức trước khi dịch tả heo châu Phi bùng nổ, tuy nhiên, do nhu cầu thị trường, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn thịt heo.
Ở trong nước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh thành khu vực phía nam, giá heo hơi trong tháng qua giảm mạnh, phổ biến dưới mốc 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ ngày 14.8, giá heo hơi tại nhiều nơi biến động tăng nhẹ từ 1-3 giá. 
Cụ thể, heo hơi tại khu vực phía nam biến động tăng nhẹ 1-2 giá, dao động từ 52.000 - 53.000 đồng/kg; miền Trung đi ngang từ 53.000 - 55.000 đồng/kg và một số tỉnh khu vực phía bắc tăng từ 1-3 giá, dao động từ 54.000 - 57.000 đồng/kg. Nhiều dự báo cho thấy, đà giảm của giá heo hơi sẽ kết thúc trong tuần tới do dịch bệnh lan rộng, việc mua thực phẩm dự trữ tại nhiều địa phương tăng mạnh hơn. Không chỉ có miền Nam và TP.HCM, giá thịt heo có dấu hiệu tăng tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Tại Đà Nẵng, việc áp quy định giãn cách siết chặt hơn khiến nhiều chợ, siêu thị ở Đà Nẵng rơi vào tình cảnh giống TP.HCM trước đây là vét sạch thực phẩm tươi sống, rau củ quả trong ngày 13.8. Chợ đầu mối Hòa Cường tại Đà Nẵng cũng tạm đóng để phòng chống dịch Covid-19. Theo phản ánh của người dân, giá thịt heo tại các chợ truyền thống Đà Nẵng trong ngày 13 và 14.8 tăng nhẹ, tăng từ 2-5 giá. Tương tự, tại Nha Trang (Khánh Hòa), tuy địa phương đã bác tin đồn tăng siết giãn cách, nhưng tình trạng mua gom hàng tăng, theo đó, giá heo hơi khu vực này tăng nhẹ 1 giá từ hôm nay 14.8.
Trong khi đó, giá heo hơi tại nhiều nước châu Á đang giảm mạnh. Tại Trung Quốc, giá heo hơi đi ngang quanh mức 15,6 tệ/kg, tương đương 55.000 đồng/kg. Tại Thái Lan, do nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu yếu nên giá heo bình quân tiếp tục giảm còn dưới 70 baht/kg, tương đương 49.000 đồng/kg. Tại Campuchia, giá heo hơi hiện ở mức cao nhất trong khu vực, gần 60.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại Trung Quốc giảm mạnh, xu hướng giá thịt heo thế giới sẽ giảm từ nay đến cuối năm

Trong báo cáo phân tích thị trường của ngân hàng Rabobank, đơn vị này dự báo giá heo hơi tại các quốc gia châu Á sẽ phục hồi, theo đó, nhập khẩu thịt heo sẽ chậm lại từ quý 3 năm nay. Rabobank cho rằng, từ quý 3/2021, sẽ có biến động lớn về giá thịt heo và thịt heo của Trung Quốc có thể là “yếu tố quyết định” giá thịt heo toàn cầu. Trong 2 quý đầu năm, tỷ lệ giết mổ của Trung Quốc bất ngờ tăng gần 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung tăng đột biến khiến giá thịt heo trong nước giảm mạnh và dự kiến nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc trong quý 3 sẽ thấp. Rabobank cũng dự báo nhập khẩu thịt heo tại các quốc gia châu Á sẽ chậm lại trong những tháng tới, đưa nhập khẩu cả năm giảm 10 - 20% từ mức kỷ lục của năm 2020. Với thị trường châu Âu, ngân hàng này cho rằng, sản xuất thịt heo khu vực này tăng mạnh hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong 4 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu thịt heo từ các nước châu Âu sang Trung Quốc giảm nhẹ nhưng tăng mạnh sang Việt Nam và Philippines.
Dù diễn biến phức tạp, các chợ đầu mối đóng cửa, nhiều lò mổ phải đóng cửa, nguồn hàng đến tay người tiêu dùng khó khăn hơn, song báo cáo kinh doanh của công ty chăn nuôi lớn cho thấy, dịch Covid-19 hoàn toàn không ảnh hưởng đến doanh thu của họ. Mới đây, báo cáo tài chính quý 2 của Tập đoàn Dabaco công bố cho thấy, doanh thu quý 2 của doanh nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ đạt 2.596 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn lại giảm mạnh 46%, xuống còn khoảng 215 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Dabaco tăng hơn 10% đạt hơn 5.070 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 580 tỉ đồng. Việc lợi nhuận giảm được doanh nghiệp lý giải do chi phí nhiều hơn cho hoạt động sản xuất, giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm… trong mùa dịch.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.