Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về xuất khẩu mực, bạch tuộc vào Nhật

Chí Nhân
Chí Nhân
15/03/2018 16:56 GMT+7

Xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản trong tháng 1.2018 vẫn tiếp tục đi lên với tỷ lệ tăng 23% đạt 12,8 triệu USD và duy trì vị trí nhà cung cấp lớn thứ hai sau Trung Quốc.

Bốn nguồn cung chính mặt hàng này cho Nhật Bản gồm Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Peru. Trong năm 2017, Nhật Bản có xu hướng tăng nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Trung Quốc và Peru do giá thấp.
Trung Quốc đứng đầu chiếm 78% tổng thị trường, Việt Nam xếp thứ 2 với 12,3%. Giá mực, bạch tuộc Việt Nam có giá cạnh tranh so với Thái Lan, tuy nhiên cao hơn so với Trung Quốc, Peru. Trong năm 2017, giá xuất khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam vào Nhật Bản đạt 7 USD/kg; Trung Quốc 5,8 USD/kg; Thái Lan 14 USD/kg; Peru 4 USD/kg.
Do giá cao, nên giá trị xuất khẩu mặt hàng mực, bạch tuộc của Việt Nam trong năm 2017 đạt gần 149 triệu USD, tăng hơn 35% so với năm 2016. Trong khi tổng nhập khẩu mực, bạch tuộc của Nhật Bản trong năm 2017 chỉ đạt 59.000 tấn, trị giá 356 triệu USD, giảm 32% về khối lượng và 41% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 10 năm qua, Trung Quốc vẫn duy trì là nhà cung cấp mực, bạch tuộc hàng đầu vào Nhật Bản.
Hiện Việt Nam đang xuất chủ yếu mực sống, tươi và đông lạnh sang thị trường này, chiếm 52% tổng giá trị; tiếp theo là bạch tuộc chế biến chiếm 21%; bạch tuộc sống, tươi, đông lạnh và khô chiếm 19%; còn lại mực chế biến khác.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) dự báo sản lượng khai thác mực, bạch tuộc nguyên liệu tại Nhật Bản giảm trong khi kinh tế nước này có xu hướng phục hồi, đồng yên tăng giá khiến nhu cầu nhập khẩu tăng, tạo thuận lợi cho xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Theo báo cáo của ngành hải quan Nhật Bản, nhập khẩu cá tra đang tăng mạnh với mức tăng 30% trong năm 2017. Maruha Nichiro, công ty thủy sản lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam, một sản phẩm thay thế cho cá minh thái với lợi thế rẻ hơn đến 20%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.