Việt Nam chỉ còn chiếm 45% sản lượng cá tra toàn cầu

Chí Nhân
Chí Nhân
16/04/2019 14:09 GMT+7

Thị phần cá tra của Việt Nam đang giảm dần trong khi các nước như Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh tăng lên.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính: Năm 2018, tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu đạt 2,8 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2017. Trong đó, riêng Việt Nam khoảng 1,3 triệu tấn, chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu.
Các thông tin thị trường trước đây cho biết, trong số các đối thủ trên đáng chú ý nhất là Indonesia. Trong năm 2018, nước này đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Đông khi cho ra mắt dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường này.
Ngoài ra, Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017 và đứng thứ 2 trong năm 2018 - cũng đang đẩy mạnh hoạt động nuôi và chế biến cá tra. Nước này hiện có 20 nhà máy chế biến cá tra với năng lực sản xuất ước tính đạt khoảng 30.000 tấn. Các doanh nghiệp của Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển ngành này để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Cục diện trên cho thấy, sản phẩm cá tra Việt Nam ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, trong hơn một năm qua xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn gặp nhiều thuận lợi về thị trường và giá cả. Năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra lần đầu tiên đạt mức 2,26 tỉ USD, tăng 26,5% so với năm 2017. Năm 2019, ngành cá tra đặt mục tiêu tiếp tục xuất khẩu trên 2,3 tỉ USD.

Lạc quan tăng trưởng năm 2019

Dù các đối thủ trong ngành cá tra ngày càng nhiều và không ngừng lớn mạnh song nhiều doanh nghiệp vẫn tin rằng con cá tra Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế. Lợi thế lớn nhất theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX (Cần Thơ) là điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn các nước khác. Tuy nhiên ông Kịch cũng lưu ý trong xu thế phát triển chúng ta phải làm sao giữ được điều đó; tránh làm tổn hại tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường…
Trong ngắn hạn, ngành cá tra vẫn tăng trưởng tích cực Công Hân
Về thị trường, nhiều doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Mỹ. Năm ngoái, sau khi giảm thuế chống bán phá giá tôm họ giảm thuế tiếp cho sản phẩm cá tra. Năm nay thuế chống bán phá giá tôm vừa được điều chỉnh giảm tiếp về 0% (kết quả sơ bộ); các doanh nghiệp ngành cá tra đang chờ đợi “cú đúp” giảm thuế giống như năm trước. Đây là kỳ vọng có cơ sở vì trước đây trong dòng sản phẩm cá thịt trắng, ngoài cá tra của Việt Nam; Mỹ nhập một lượng lớn sản phẩm cá rô phi của Trung Quốc. Hiện tại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nên Mỹ sẽ đưa ra một mức thuế có lợi cho sản phẩm cá tra Việt Nam để cân bằng nguồn cung. Năm 2018, sau khi giảm thuế chống bán phá giá thị trường Mỹ lấy lại vị trí khách hàng số một của cá tra Việt Nam từ tay Trung Quốc.
Ngoài thị trường Mỹ, các doanh nghiệp kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ sớm được ký kết. Nếu EVFTA được phê duyệt, thuế nhập khẩu sẽ được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá philê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá philê đã chế biến.
Đối với EU, thị trường lớn thứ 3, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm bằng chất lượng, chú ý đến các sản phẩm giá trị gia tăng cao và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì cạnh tranh bằng giá cả đang giúp cá tra Việt Nam lấy lại thiện cảm. Điều đáng mừng là trong thời gian gần đây, thị trường này liên tục tăng trưởng mạnh ở mức hai con số, phần nào khẳng định chất lượng sản phẩm của Việt Nam.
VASEP dự báo: Trong ít nhất 2 năm tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường láng giềng rộng lớn và tiềm năng của cá tra Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ rất lớn và đa dạng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau. Sự thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp cá tra sang thị trường này. Bên cạnh nhu cầu nhập khẩu cá thịt trắng cho tiêu thụ nội địa, thị trường này còn nhập khẩu để chế biến và xuất khẩu cá thịt trắng.

Giá cá tra nguyên liệu phục hồi

Đáng chú ý, giá cá tra nguyên liệu hiện nay đang dần hồi phục sau thời gian giảm khá mạnh hồi đầu năm. Hiện giá cá tra nguyên liệu loại 1 (0,8 - 1 kg/con) giá từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.