Việt Nam cải thiện điều kiện sản xuất trong 11 tháng liên tiếp

02/11/2016 14:55 GMT+7

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất ASEAN của Nikkei trong tháng 10 là 49,2 điểm, giảm so với con số 50,5 điểm hồi tháng 9.

Theo nhật báo kinh doanh Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 1.11, đây cũng là chỉ số toàn phần thấp nhất trong 11 tháng qua.
Thông thường, chỉ số PMI trên mốc 50 điểm cho thấy kinh tế có sự cải thiện và ngược lại, thấp hơn 50 là dấu hiệu của suy giảm.
Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm dần, dẫn đến chỉ số toàn phần giảm. Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm nhanh nhất kể từ tháng 11.2015. Doanh thu xuất khẩu giảm nhanh hơn là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém này.
Tình trạng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của từng quốc gia trong ASEAN không đồng đều. Phần lớn các quốc gia có các điều kiện hoạt động giảm sút.
Đáng chú ý, các điều kiện ngành sản xuất của Indonesia rơi vào suy giảm, khi mức giảm của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã làm giảm chỉ số toàn phần của quốc gia. Số lượng nhân công giảm so với tháng 9 trong khi lượng công việc chưa thực hiện giảm mạnh trong tháng 10.
Trong khi đó, điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Thái Lan tiếp tục giảm sút trong tháng 10 khi mà sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm. Chỉ số toàn phần đạt mức thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 12.2015. Tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất Thái Lan tăng lên thành mức nhanh nhất kể từ tháng 1.
Các nhà sản xuất hàng hóa ở Malaysia cho biết sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm vào đầu quý 4. Các công ty cho biết sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Đặc biệt, tốc độ giảm của số lượng đơn đặt hàng mới là nhanh nhất trong 11 tháng. Các công ty Singapore cho biết sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất trong tháng 10 là tồi tệ nhất trong 6 tháng do hệ quả của sự giảm sút của sản lượng. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhanh hơn cũng góp phần làm giảm chỉ số toàn phần.
Các nhà sản xuất Myanmar cho biết các điều kiện hoạt động tại quốc gia này trong tháng 10 đã giảm với tốc độ chậm hơn so với tháng 9. Mức giảm sút của lĩnh vực sản xuất Myanmar chỉ là nhẹ.
Riêng Việt Nam có sự cải thiện trong 11 tháng liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 9. Trong khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh hơn trong bốn tháng, sản lượng đã giảm lần đầu tiên trong hơn một năm. Điều này làm cho các công ty thận trọng hơn trong việc tuyển dụng nhân công. Lượng nhân công tăng chậm hơn đáng kể trong tháng 10, sau khi tăng cao thứ nhì trong lịch sử chỉ số trong tháng 9.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất ASEAN, ông Bernard Aw, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nhận xét: “Các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất ASEAN tiếp tục suy giảm chủ yếu do tình trạng giảm sút ở Indonesia và Thái lan. Trong khi mức tăng nhẹ ở Việt Nam có một ảnh hưởng tích cực lên chỉ số PMI của ASEAN, mức tăng này là chậm nhất trong 4 tháng”.
Cũng theo ông, kết quả hoạt động trong các quốc gia ASEAN không đồng đều. Với đa số các quốc gia báo cáo giảm sút các điều kiện hoạt động, chỉ số toàn phần chung sẽ dễ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm tiếp trong những tháng tới, theo thông tin từ Nikkei.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.