Vì sao TP.HCM đáng sống?

04/01/2020 07:49 GMT+7

TP.HCM vừa được trang mạng lưới người nước ngoài toàn cầu InterNations xếp vị trí thứ 3 về những thành phố đáng sống cho người nước ngoài, chỉ sau Đài Bắc (Đài Loan) và Kuala Lumpur (Malaysia).

Khảo sát có tên là Expat Insider 2019 vừa được công bố trên trang InterNations với sự tham gia của hơn 20.000 người đang sống và làm việc tại quốc gia mà không phải là nơi họ có quốc tịch, nội dung là xếp hạng về thành phố nước ngoài mà họ đang sinh sống, cũng như cảm nhận về “quê hương thứ 2” của mình thế nào. Thật thú vị khi TP.HCM được người nước ngoài chọn là thành phố đáng sống ở vị trí thứ 3 trong số 82 thành phố trên thế giới.

Cơ hội kiếm việc làm không khó !

Có 81% người được hỏi tỏ ra hài lòng với chi phí sống ở TP.HCM, cao gần gấp đôi tỷ lệ trung bình của 82 thành phố là 43%. Đặc biệt, TP.HCM xếp vị trí thứ nhất về tiêu chí việc làm và nghề nghiệp, xếp thứ 6 về tiêu chí cân bằng sống và làm việc. Điểm về triển vọng kinh tế tại đây cũng được đánh giá cao 81% so với mức trung bình của 82 thành phố chỉ 61%
TP.HCM được nhiều bạn trẻ nước ngoài chọn không phải du lịch, mà sống, làm việc, hoạt động công tác thiện nguyện hoặc tổng hợp tất cả các lý do trên. Sami Le (quốc tịch Đan Mạnh, bố là người Việt, mẹ là người Iran) cho biết anh đã đến VN hơn 4 tuần, tập trung phần lớn thời gian tại TP.HCM, hoạt động như một tình nguyện viên. Bởi là người gốc Việt, nên từ nhỏ Sami có cơ hội thưởng thức món phở, nhưng mãi cho đến khi lưu lại Sài Gòn dài ngày, anh mới có cơ hội ăn phở Việt nhiều hơn.
Mặc dù Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia) được xếp hạng trên TP.HCM về thành phố đáng sống cho người nước ngoài, nhưng Joyce Koeh Chin Wen, người gốc Malaysia, đã sống và làm việc tại TP.HCM hơn 6 tuần, vẫn tỏ ra hào hứng khi nói về Sài Gòn. Joyce Koeh Chin Wen nói TP.HCM có sự “hấp dẫn ấm áp” mà không dễ gì tìm thấy tại nhiều thành phố thương mại khác. “Người dân hai bên đường rất thân thiện, chúng tôi có thể hỏi thông tin và họ vui vẻ trả lời nếu biết tiếng. Thu nhập ở đây không cao nhưng đủ cho người trẻ muốn làm thêm, có thể đủ kiếm sống, lang thang ăn vặt nhiều món ăn ngon, phong phú với giá khá dễ chịu. Như vậy đã là đủ và tạo nên sự rung cảm dễ chịu”, Joyce Koeh Chin Wen lý giải về sự “hấp dẫn ấm áp” mà anh cảm nhận được dù không biết nói tiếng Việt, ngôn ngữ giao dịch chính là tiếng Anh. Hằng ngày, anh làm giảng viên môn tiếng Anh cho một số câu lạc bộ luyện tiếng Anh khu vực trung tâm TP.HCM.
Đến từ đảo quốc Mauritius, tự giới thiệu đó là hòn đảo rất đẹp ở Ấn Độ Dương, Kenisha Soowambar cho biết đang dạy môn tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM, lại ấn tượng với tính cách chăm chỉ, khiêm tốn và nồng hậu của con người nơi đây. Nhận xét về TP.HCM, cô nói: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy có sự gắn kết tốt đẹp như vậy ở bất kỳ quốc gia nào tôi đã đi du lịch trước đây. Từ nhân viên siêu thị đến những người chuyên giao thức ăn cho các nhà hàng, mọi người đều rất ân cần với tôi. Họ giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Rất lạ!”. Bánh mì Sài Gòn là món khoái khẩu và “rẻ, ngon nhất thế giới” của Kenisha Soowambar. Sau bánh mì, một ly cà phê rang xay ngon, rẻ mà có thể mua bất kỳ ở đâu trên đường phố TP.HCM khiến Kenisha Soowambar cũng như nhiều bạn bè của cô thích thú.
Dễ kiếm việc làm tạm với số tiền không quá lớn, đa số cho biết mức thu nhập tầm 6 - 8 triệu đồng/tháng, nhưng đủ để lang thang ăn vặt và sống thoải mái đi “phượt” khám phá các vùng đất mới khác tại VN là một trong nhiều lý do khiến nhiều bạn trẻ nước ngoài chọn TP.HCM để du lịch, sống và làm việc. Thậm chí, nhiều bạn trẻ như Komprachaya (Thái Lan) đang làm tại nhà hàng Thái (Q.1, TP.HCM) cũng cho biết thành phố này rất dễ kiếm việc làm và cơ hội để kiếm được việc làm không khó.

TP.HCM đáng sống chỉ vì... rẻ ?

Ở TP.HCM có cuộc sống phong phú, năng động và dễ chịu khiến người trẻ như chúng tôi lấy làm thích thú được trải nghiệm. Quan trọng là tôi có thể làm thêm để kiếm tiền đi du lịch trước khi về nước học ngành trí tuệ nhân tạo tại quê nhà Copenhagen (Đan Mạch).

Sami Le (một bạn trẻ ngoại quốc đang sống tại TP.HCM)

So với các tỉnh, thành khác, chi phí sinh hoạt để duy trì cuộc sống tại thành phố hoa lệ này là bài toán không hề dễ giải, nhưng theo nhiều bạn trẻ “dân tỉnh” đang sống làm việc tại TP.HCM, đây là thành phố dễ sống, nói theo cả nghĩa đen lẫn bóng.
Sáu năm “ngụp lặn” ở Sài Gòn, từ khi còn là sinh viên năm nhất “chân ướt chân ráo” từ Phú Yên vào thành phố học đại học, Mỹ Chi (25 tuổi) đã không ít lần nản chí vì bế tắc trong công cuộc tìm việc làm. Ra trường với tấm bằng cử nhân chuyên ngành văn học, Chi “đầu quân” cho một công ty chuyên viết nội dung quảng cáo của một người bạn. Làm việc cả tuần, có khi tới tận 1 - 2 giờ sáng, nhưng sau 2 lần tăng lương, bạn mới được tới mức 4 triệu đồng, thỉnh thoảng mới có thêm khoản này khoản kia, tổng thu nhập không vượt quá 5 triệu đồng. Riêng tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước, xăng xe hằng ngày chạy đi chạy lại từ nhà đến cơ quan hơn 20 km... Có những tháng hết sạch tiền, Chi phải xin bố mẹ chuyển bánh tráng và mắm mực từ quê vào để “sống sót qua ngày”. May mắn tìm được người quen giới thiệu qua một công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, tới bây giờ, lương hằng tháng của Mỹ Chi đã chạm mốc 10 triệu.
“Làm công ty lớn hơn, lương cao hơn nhưng mối quan hệ cũng rộng hơn, tiệc tùng nhiều nên tính ra hằng tháng cũng không tiết kiệm được đồng nào gửi về cho bố mẹ. Nhiều khi tích cóp được ít thì điện thoại lại hỏng, xe lại hư, máy tính có vấn đề... rồi cũng phải tiêu hết. Nếu về quê thì mình có sẵn nhà cửa, chi phí sinh hoạt cũng rẻ hơn, làm giáo viên hoặc kiếm công việc nào đó lương tháng 6 - 7 triệu đồng là sống khỏe nhưng mình không về quê đâu. Chắc chắn sẽ ở Sài Gòn, đến lúc không thể ở nữa mới tính đến chuyện đi chỗ khác. Bây giờ chưa kiếm được nhiều tiền nhưng Sài Gòn cho mình cơ hội mở mang đầu óc, phát triển cả về kiến thức, văn hóa, tư duy và mình cảm thấy chỉ có ở đây mình mới có thể hy vọng một cuộc sống khác đầy đủ, thoát nghèo, thoát lạc hậu”, Chi khẳng định, ánh mắt ánh lên niềm hy vọng.
Cũng đã bước sang năm thứ 6 học tập và làm việc ở TP.HCM, Việt Đức (quê ở Huế), đang là phóng viên cho một trang báo điện tử, chia sẻ ngắn gọn: “Tôi thích sống ở Sài Gòn, vì vui”. Hỏi định nghĩa thế nào là “vui”, Đức cho hay TP.HCM rất năng động và cho bạn nhiều cơ hội để trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Tốt nghiệp trường danh tiếng là Đại học Ngoại thương TP.HCM, trước khi bén duyên với nghiệp viết lách, Đức từng là nhân viên của một công ty phân tích thị trường của nước ngoài.
“Nếu ở Huế thì làm sao có cơ hội tiếp xúc rộng rãi với nhiều người, mở mang quan hệ và kiến thức. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều quy tụ về TP.HCM. Ở Huế chủ yếu là ngân hàng. Nếu về đó, xin được một công việc tại ngân hàng, cố gắng phấn đấu thì chắc chắn dư dả hơn nhiều vì có sẵn nhà cửa, ở cùng bố mẹ, chi phí thấp... nhưng chán chết. Ở Sài Gòn mới vui!”, Đức quả quyết.
“Sài Gòn bao nhiêu cũng được” là nhận xét của nhiều người. Người thu nhập thấp thì thuê nhà ở những khu xa trung tâm... hằng ngày ăn sáng ổ bánh mì 10.000 - 15.000 đồng, ăn trưa, tối với hộp cơm tấm 20.000 đồng, tô hủ tiếu 15.000 đồng... thì vẫn dư sức thư giãn với ly cà phê 7.000 đồng. Người thu nhập trung bình thì dễ dàng thuê, mua những căn hộ tầm trung, hưởng vô vàn những dịch vụ tương ứng với mức sống. Người giàu lại khỏi bàn, TP.HCM là “số 1” về dịch vụ”.
Quan trọng hơn, hầu hết mọi người từng tới, đã hoặc đang sống tại TP.HCM đều phải thừa nhận: người dân địa phương rất thân thiện và thoải mái. Họ chào đón tất cả mọi người từ khắp các vùng miền, không kỳ thị, không soi mói. Bạn có thể tự do thể hiện con người của mình mà không sợ phải nhận những ánh mắt, lời nói dè bỉu. Đấy là lý do vì sao không chỉ với người nước ngoài, ngay cả với người Việt, TP.HCM cũng là một trong những thành phố đáng sống nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.