Vì sao suất đầu tư sân bay Long Thành đắt?

Mai Hà
Mai Hà
18/11/2019 06:23 GMT+7

Có diện tích và công suất tương đương, lý do gì khiến mức đầu tư của sân bay Long Thành lại đắt hơn sân bay Đại Hưng ( Trung Quốc ) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)?

Nếu tính đúng, tính đủ, mức đầu tư của Long Thành có thể thấp hơn không? Nếu tỷ lệ trượt giá vượt quá 2% như tính toán của IMF, suất đầu tư có thể vượt quá con số 16 tỉ USD là bao nhiêu?

ACV nói “mức đầu tư tương đương”

Theo thiết kế, Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành có 2 cặp đường băng (4 đường băng), công suất chung 3 giai đoạn là 100 triệu lượt khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư 16 tỉ USD.
Trong khi đó, tại phiên thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành, các đại biểu Quốc hội đã so sánh 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh, Trung Quốc) và sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có suất đầu tư thấp hơn khá nhiều.
Nói cách khác, nếu tính đúng, tính đủ, quy mô đầu tư dự án sân bay Long Thành có thể giảm hơn nữa so với hiện nay
 
Cụ thể, sân bay Đại Hưng có diện tích 4.700 ha, tương đương sân bay Long Thành, nhưng có thiết kế 7 đường băng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 4 triệu tấn hàng hóa, nhưng vốn đầu tư chỉ 11,4 tỉ USD. Sân bay Istanbul có thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt khách/năm, vốn đầu tư là 12 tỉ USD. Một sân bay lớn trong khu vực là Suvarnabhumi (Thái Lan) cũng có công suất 100 triệu hành khách/năm, nhưng tổng vốn đầu tư chỉ 5 tỉ USD vào năm 2006.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV), tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành theo Nghị quyết 94/2015/QH13 là 16,03 tỉ USD, trong đó có 673,3 triệu USD chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000 ha. Tiểu dự án bồi thường hỗ trợ và tái định cư sau đó được Quốc hội chấp thuận tách riêng và Chính phủ phê duyệt mức đầu tư 978 triệu USD. Phần đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay Long Thành còn lại khoảng 15 tỉ USD.
Cũng theo lãnh đạo ACV, suất đầu tư khoảng 15 tỉ USD/100 triệu hành khách cho Long Thành là tương đương với suất đầu tư của các sân bay Đại Hưng hay Istanbul. Theo tính toán của ACV, sân bay Đại Hưng giai đoạn 1 (vận hành khai thác từ tháng 9.2019) có mức đầu tư 11,7 tỉ USD, công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỉ USD/100 triệu hành khách. Sân bay Istanbul tổng mức đầu tư khoảng 12 tỉ USD cho công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 14,93 tỉ USD/100 triệu hành khách.

Long Thành có thể rẻ hơn không?

Trên thực tế, nhiều ý kiến băn khoăn về tính chính xác của tổng mức đầu tư, vì nhiều hạng mục mới dừng ở mức tính toán sơ bộ. Tổng mức đầu tư hiện chưa được Hội đồng thẩm định đưa ra kết luận cuối cùng, sau khi thẩm định có tăng lên, vượt quá khái toán đầu tư (4,782 tỉ USD) của Nghị quyết 94 hay không?

Đồ họa: Đông Xuân

Tại báo cáo thẩm tra dự án nghiên cứu khả thi lần 1, tư vấn thẩm tra cho rằng, phương pháp lập tổng mức đầu tư của tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi có cơ sở và phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo ý kiến thẩm tra ban đầu, có thể giảm trừ chi phí của một số hạng mục, tổng mức đầu tư sẽ còn giảm. Được biết, do dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp nên Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ có ý kiến thẩm định sau khi có ý kiến cuối cùng của tư vấn thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đầu tư dự án. Nói cách khác, nếu tính đúng, tính đủ, quy mô đầu tư dự án sân bay Long Thành có thể giảm hơn nữa so với hiện nay.
Ví dụ đơn cử, trước đó, Bộ GTVT và ACV đề xuất bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối vào tổng thể dự án giai đoạn 1, đề xuất này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Bộ GTVT cho rằng đây là một hạng mục không thể tách rời của dự án, do ACV chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ cùng các công trình khác trong hạng mục công trình thiết yếu của cảng. Chi phí đầu tư cho 2 tuyến này dự kiến sẽ khoảng 4.802 tỉ đồng, bao gồm 3.233 tỉ đồng cho phần xây lắp và 1.569 tỉ đồng giải phóng mặt bằng. ACV cho rằng việc bổ sung thêm 2 tuyến kết nối này không ảnh hưởng làm tăng tổng mức đầu tư, không vượt quá dự toán đầu tư được duyệt.
Tuy nhiên, dự án giao thông kết nối bên ngoài sân bay Long Thành có nên gộp như một hạng mục thiết yếu trong dự án hay không, có nên tách riêng để tìm cơ chế đấu thầu thực hiện hay không là điều cần tính toán kỹ. Lý do 2 dự án giao thông kết nối đường số 1 và số 2 có chiều dài chỉ 7,3 km, nhưng chi phí mặt bằng và chi phí xây lắp lên tới 4.802 tỉ đồng, tính trung bình 660 tỉ đồng/km, cao hơn nhiều nếu so với các dự án đường cao tốc có quy mô tương đương.
góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, diện tích 5.000 ha có quá lớn hay không, khi nhiều sân bay khác có cùng công suất nhưng diện tích nhỏ hơn nhiều. Theo ông Tống, trên thế giới có rất nhiều sân bay có năng suất lớn mà diện tích nhỏ không được báo cáo dự án CHK quốc tế Long Thành đưa ra tham khảo.
Ví dụ sân bay Heathrow (Anh) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 1.227 ha; sân bay Changi (Singapore) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.300 ha; sân bay Barcelona (Tây Ban Nha) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.533 ha; sân bay Frankfurt (Đức) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 2.300 ha...
Chuyên gia này cũng cho rằng, sân bay mới Western Sydney (Úc) với diện tích quy hoạch gần 1.800 ha có năng suất thiết kế 82 triệu khách/năm, trong đó có dự trù chi phí dự trữ để mở rộng. Giai đoạn 1 có công suất 40 triệu khách/năm, đầu tư chỉ có 3,8 tỉ USD. Với một đất nước có diện tích lớn như Úc tại sao cũng chỉ xây dựng sân bay có diện tích nhỏ mà Long Thành lại cần đến diện tích lớn như vậy, PGS-TS Tống nêu và cho rằng, với năng suất thiết kế 80 - 100 triệu khách/năm, sân bay Long Thành có thể chỉ cần diện tích 1.300 - 2.300 ha. Nếu quy hoạch diện tích nhỏ hơn, sân bay Long Thành hoàn toàn có thể tiết kiệm hơn nhiều về chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng.
Riêng giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành, liên danh tư vấn JFV tính toán cần 4,779 tỉ USD cho quy mô 1 nhà ga hành khách, 1 đường cất hạ cánh và các hạng mục công trình phụ trợ đáp ứng công suất thiết kế 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa.
Suất đầu tư này theo ACV cũng tương đương với các sân bay lớn trên thế giới như Frankfurt (Đức) giai đoạn 3 (khởi công tháng 4.2019) có tổng mức đầu tư 4,5 tỉ USD cho công suất 21 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,3 tỉ USD cho 25 triệu hành khách. Hay sân bay Incheon (Hàn Quốc) giai đoạn 3, vận hành khai thác từ tháng 1.2018 có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỉ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỉ USD/25 triệu hành khách.
Tuy nhiên, nếu tính theo suất đầu tư này, thì sân bay Đại Hưng giai đoạn 1 sẽ có mức đầu tư khoảng 4,1 tỉ USD/25 triệu hành khách, thấp hơn Long Thành khá nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.