Vì sao iPhone chợ đen là hàng 'hot' ở Argentina?

15/09/2016 11:08 GMT+7

Argentina gặp vấn nạn buôn lậu nghiêm trọng, nhưng vấn đề không chỉ gói gọn trong ma túy, mà còn lan sang cả điện thoại thông minh.

Theo CNN, thủ đô Buenos Aires của quốc gia Nam Mỹ đầy ắp những cửa hàng với logo Apple và hình ảnh của nhà sáng lập Steve Jobs. Bước vào bất kỳ cửa hàng nào, khách hàng nhìn thấy bức tường trắng được bao phủ bằng các phụ kiện iPhone. Song để mua chiếc điện thoại, họ phải yêu cầu một cách kín đáo.
Smartphone của hãng táo khuyết vẫn không được phép bán tại Argentina. Năm 2009, dưới thời Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, chính phủ nước này thông qua luật thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương và ngăn chặn dòng tiền chảy khỏi đất nước. Nhiều hãng điện tử phải sản xuất trong khu Tierra del Fuego của Argentina để bán sản phẩm nội địa. Khi Samsung và LG tuân thủ, Apple lại không.
Chính quyền của bà Kirchner hạn chế việc đổi đồng peso để lấy đô la Mỹ, áp thuế nhập khẩu 50% với hàng điện tử và hàng hóa nước ngoài. Đây là biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn sản phẩm biểu tượng của Apple vào nước này.
Ở thời Tổng thống hiện tại là ông Mauricio Macri, chính phủ Argentina dỡ bỏ hạn chế đổi tiền, song thuế nhập khẩu cao vẫn được giữ. Một chiếc iPhone 6S Plus 64 GB có giá 950 USD ở Mỹ bị áp thuế nhập khẩu 50% và chịu ít nhất 100 USD phí vận chuyển. Đến tay người mua, giá đội lên đến 1.575 USD. Thực tế, bay từ Argentina đến Miami (Mỹ) để mua iPhone còn rẻ hơn là mua điện thoại này ở Argentina.
Người dân quốc gia Nam Mỹ không đợi chờ chính sách. Thay vào đó, họ tìm ra cách để tậu iPhone. Nhiều người tiêu dùng du lịch đến những nước như Mỹ vào kỳ nghỉ để mua điện thoại, theo Giám đốc Cơ quan Truyền thông Quốc gia (ENACOM) Agustin Garzon. Những người không có khả năng du lịch thì cũng tìm đến nguồn cung dồi dào iPhone nhập lậu. Khoảng 12 triệu chiếc smartphone, chủ yếu là sản xuất trong nước, được mua ở Argentina hồi năm ngoái. Trong số này có 1,8 triệu chiếc được giao dịch trong thị trường chợ đen, theo số liệu của ENACOM.
iPhone 7 và AirPods được trưng bày trong sự kiện truyền thông của Apple tại thành phố San Francisco (Mỹ) Reuters
Các đại lý bán iPhone ở Argentina phải có quen biết với hải quan, hoặc trả tiền cho những người buôn lậu từ Chile hay Colombia, nơi iPhone được bán với giá tương đương ở Mỹ. Các đợt vận chuyển lậu thậm chí còn nhờ phi công, tiếp viên hàng không chất càng nhiều iPhone trong hành lý càng tốt, theo Emiliano Gufre, chủ cửa hàng sửa chữa sản phẩm Apple. Một khi về đến, iPhone được mở khóa về tay các đại lý, các bên sau đó áp giá riêng của họ và phân phối đến khách hàng.
Các chủ cửa hàng như Gufre mua từ các đại lý, song iPhone được bán nhiều nhất trên trang Mercado Libre, eBay của khu vực Mỹ La tinh. Giá iPhone ở đây cao hơn vài trăm USD so với giá Mỹ, song vẫn rẻ hơn so với giá thị trường. Gufre chia sẻ: “Quá trình nhập khẩu một chiếc iPhone tương tự như đem một ký cocaine. Chúng tôi không thích phải làm bất hợp pháp, nhưng chẳng còn cách nào”.
Nhân viên hải quan cố theo dõi chặt chẽ những món đồ được đưa vào trong nước. Song một khi điện thoại về Argentina, ít có khả năng cảnh sát sẽ trấn áp những người bán chúng bất hợp pháp. Một số nhân viên hải quan thậm chí còn là khách hàng của những người bán smartphone bất hợp pháp. Dù khó đo lường thị trường chợ đen, hãng tin Mỹ cho hay ít nhất 50 cửa hàng mới bán iPhone mở cửa từ năm 2014 ở Buenos Aires.
Những người móc nối rộng dùng nhiều cách sáng tạo hơn để nhập iPhone lậu. Sau khi mua hàng tại Colombia, Ivan D., người bán iPhone không chính thức ở Argentina mặc áo có tay được may 20 túi để chứa điện thoại, vào Argentina mà không bị phát hiện. Ông Ivan D. cho hay mình làm vậy để tránh thuế nhập khẩu có thể đến hơn 10.000 USD.
“Bạn phải mặc nhiều lớp bọc trên những chiếc điện thoại, sau đó khoác áo khoác. Vì vậy chúng tôi chỉ làm thế này được vào mùa đông. Tôi cũng mang theo một chiếc máy tính mới để đánh lạc hướng và trả 200 USD tiền thuế - khoản tiền chẳng đáng bao so với tiền thuế áp lên tất cả những chiếc iPhone”. Năm nay, Apple có sắp xếp để tìm hiểu thêm về việc đưa sản phẩm vào lại Argentina. Dù vậy, thị trường chợ đen vẫn sẽ còn đó cùng thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng.

tin liên quan

Apple vừa bán chiếc iPhone thứ 1 tỉ
Danh hiệu “phục vụ hàng tỉ” mà chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's nhận được giờ đây cũng có thể trao cho sản phẩm biểu tượng của hãng Apple.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.