Vì sao chứng khoán Mỹ lập kỷ lục sau thông báo của Fed?

Anh Vũ
Anh Vũ
28/08/2021 09:47 GMT+7

Lạm phát tăng chỉ là tạm thời và Fed sẽ chưa vội thắt chặt chính sách tiền tệ của mình là động lực thúc đẩy chứng khoán Mỹ đóng cửa tuần qua ở mức cao kỷ lục.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã tăng lên mức kỷ lục mới vào ngày thứ sáu (27.8) sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhấn mạnh ngân hàng T.Ư không nên phản ứng quá mức với mức lạm phát tăng đột biến gần đây.
Chỉ số S&P 500 tăng 39,37 điểm, tương đương 0,9%, lên 4.509,37 sau bài phát biểu rất được mong đợi của ông Powell. Đây là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa trên ngưỡng 4.500.
Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng 183,69, tương đương 1,2%, lên mức kỷ lục 15.129,50. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 242,68, tương đương 0,7%, lên 35.455,80. Cả 3 chỉ số đều tăng trong tuần.
Các nhà đầu tư đã theo dõi bài phát biểu của ông Powell để tìm manh mối về thời điểm Fed có thể bắt đầu thu hẹp các chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng T.Ư đã mua 120 tỉ USD các tài sản hàng tháng để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, trong khi giữ lãi suất ngắn hạn chuẩn của nó gần bằng 0%. Những chính sách như vậy đã giúp đẩy cổ phiếu lên mức cao nhất mọi thời đại.
Trước đó, biên bản báo cáo chính sách cuối tháng 7 của Fed cho thấy, nhiều quan chức của Fed đánh giá hoạt động mua tài sản có thể giảm xuống vào cuối năm nay. Tuần này, nhiều nhà lãnh đạo của Fed cũng đưa ra quan điểm rằng đã đến lúc phải lùi chiến dịch kích thích kinh tế của ngân hàng T.Ư.
Theo The Wall Street Jounal, ông Powell cũng tái khẳng định hôm 27.8 rằng, ngân hàng T.Ư sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua trái phiếu vào cuối năm nay. Tuy không nói chính xác khi nào quá trình sẽ bắt đầu, nhưng Chủ tịch Fed đã dành phần lớn bài phát biểu của mình để giải thích lý do tại sao ông vẫn tự tin rằng sự gia tăng lạm phát gần đây sẽ chỉ là tạm thời, và tại sao Fed không nên vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Diễn biên giao dịch 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ trong tuần qua

Ảnh chụp màn hình

Thời gian gần đây, sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 do biến thể Delta đã làm phức tạp triển vọng kinh tế bằng cách tạo ra nguy cơ mới về sự suy giảm kinh tế mạnh hơn ngay tại thời điểm một số quan chức đã sẵn sàng giảm hoặc giảm tốc độ mua trái phiếu hàng tháng.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 27.8, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng trước đã chậm lại, xuống còn 0,3% , chưa đầy 1/3 mức tăng chi tiêu của tháng 6 là 1,1%, và ít hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế. Chi tiêu cho dịch vụ tăng lên trong khi chi tiêu cho hàng hóa giảm. Biến thể Delta có nguy cơ trì hoãn sự phục hồi trong chi tiêu du lịch và giải trí.
Trước đó, ngân hàng T.Ư đã giảm lãi suất chuẩn ngắn hạn xuống gần bằng 0% khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế Mỹ vào tháng 3.2020. Nhận xét của ông Powell không chỉ ra rằng những lo ngại về biến thể Delta sẽ khiến Fed phải trì hoãn kế hoạch giảm mua tài sản trong năm nay. Ông nói: “Mặc dù biến thể Delta có rủi ro trong ngắn hạn, nhưng triển vọng vẫn tốt cho việc tiếp tục tiến tới việc đạt được việc làm tối đa".
Theo thông báo từ Fed, cuộc họp tiếp theo của ngân hàng T.Ư sẽ diễn ra từ ngày 21 - 22.9, và một số quan chức Fed cho biết họ sẽ ủng hộ việc bắt đầu giảm bớt việc mua trái phiếu ngay sau cuộc họp đó, nếu việc tuyển dụng việc làm của Mỹ vẫn còn mạnh mẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.