Vì sao cần quan tâm đến cuộc bỏ phiếu Brexit?

22/06/2016 19:39 GMT+7

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về chuyện nước Anh ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) sẽ có vào sáng 24.6. Dưới đây là vài lý do vì sao bạn nên quan tâm đến sự kiện này.

Theo CNN, nếu Anh quốc chọn Brexit, tức rời khối 28 quốc gia, họ sẽ mất ít nhất hai năm chờ quyết định trên có hiệu lực. Cuộc bỏ phiếu được tiến hành trong ngày mai 23.6 và kết quả sẽ có vào ngày hôm sau.
Tại sao nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý?
Thủ tướng Anh David Cameron cho hay cuộc bỏ phiếu là nỗ lực nhằm chấm dứt nhiều năm mâu thuẫn nội bộ trong đảng Bảo thủ của ông trên khắp châu Âu. Ông Cameron muốn đất nước ở lại EU, đã và đang cố gắng thuyết phục những người còn hoài nghi bằng cách đàm phán “thỏa thuận mới” với 27 nước còn lại trong khối. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn nước Anh rời đi, một vài trong số họ dẫn đầu chiến dịch kêu gọi Brexit.
Đâu là tiêu điểm trong các cuộc tranh luận?
Nhập cư là một trong các vấn đề gây tranh cãi giữa hai phía ủng hộ và không ủng hộ Brexit Shutterstock
Nhập cư. Những người ủng hộ Brexit cho rằng Anh cần hạn chế nhập cư để giảm bớt áp lực về nhà ở, phúc lợi xã hội, việc làm và lương bổng. Theo họ, đây là những vấn đề không thể giải quyết nếu đất nước còn ở trong EU, nơi khẳng định rằng công dân có thể sống và làm việc ở bất cứ đâu trong 28 nước thành viên. Ngược lại, những người cho rằng Anh quốc nên ở lại EU cho biết đa số dân nhập cư đến Anh là để làm việc, đóng cửa sẽ khiến nền kinh tế “đói” lao động. Họ còn dẫn ra tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp kỷ lục.
Nền kinh tế. Phe ủng hộ Brexit nói rằng hoạt động kinh doanh của Anh hiện bị kiềm chế bởi các quy định của EU và sẽ phát triển mạnh hơn nếu được “giải thoát”. Anh quốc sẽ có nhiều thỏa thuận thương mại hơn với các nền kinh tế phát triển nhanh trên toàn cầu. Trái lại, những người ủng hộ Anh ở lại EU chỉ ra 45% xuất khẩu của Anh đi vào cộng đồng chung. Họ phản đối lập luận cho rằng tư cách thành viên EU khiến Anh chật vật vì đất nước vẫn phát triển nhanh hơn so với khu vực trong nhiều năm, nhanh hơn so với hầu hết các nước phát triển.
Điều tệ nhất xảy ra nếu Anh chọn Brexit?
Chứng khoán toàn cầu sẽ biến động nếu Brexit thành sự thật Reuters
Bảng Anh (GBP) giảm giá trị. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) từng cảnh báo nội tệ sẽ giảm giá mạnh nếu Anh chọn rời EU. Các nhà phân tích Phố Wall dự báo giá trị GBP giảm đến 20%. Bảng Anh là đồng tiền đặc biệt dễ tổn thương vì Anh quốc phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài để hỗ trợ nền kinh tế.
Chứng khoán lao dốc. Chứng khoán Anh có thể giảm đến 24% nếu Brexit là kết quả được công bố. Các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng tăng trưởng khi có nhiều yếu tố thiếu chắc chắn về thương mại với EU. Các doanh nghiệp lớn có khả năng xem xét lại kế hoạch của họ ở Anh.
Suy thoái kinh tế. BOE và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Brexit có thể đẩy Anh vào suy thoái. IMF và chính phủ Anh cho hay rời EU sẽ vĩnh viễn biến Anh thành nước nghèo hơn. Một số doanh nghiệp nói rằng họ sẽ xem lại các khoản đầu tư ở Anh.
Thất nghiệp. Chính phủ Anh cảnh báo hàng trăm ngàn việc làm có nguy cơ mất đi trong kịch bản Brexit. Suy thoái kinh tế thúc đẩy tỷ lệ thất nghiệp, một số doanh nghiệp, ngân hàng lớn có thể di dời nhân viên của họ sang Đức hoặc Pháp nhằm tránh gián đoạn hoạt động kinh doanh với EU
Tăng thuế, giảm chi tiêu. Kho bạc Vương quốc Anh cho hay cú sốc kinh tế có thể dẫn đến một lỗ hổng trong ngân sách vốn còn mong manh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tăng thuế và cắt giảm chi tiêu sẽ là hai biện pháp họ dùng để xoay sở trước tình hình.
Vì sao thế giới quan tâm đến cuộc bỏ phiếu Brexit?
Anh là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới Shutterstock
Anh là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Nước này suy thoái sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, đây cũng sẽ là cú sốc với châu Âu - nơi đang chật vật với thực trạng kinh tế mong manh, tỷ lệ thất nghiệp cao và cuộc khủng hoảng người tị nạn tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán khó lòng chỉ gói gọn ở châu Âu. Chứng khoán Mỹ có thể chịu tác động vì tăng trưởng toàn cầu đi xuống, đô la Mỹ đi lên và sự gián đoạn trong hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại châu lục này. Nhiều công ty Mỹ đặt trụ sở châu Âu của họ ở Anh sẽ bị buộc phải chuyển nhân sự và hoạt động đến nơi khác, đảm bảo duy trì sự dễ dàng trong việc tiếp cận với thị trường.
Cuối cùng, Brexit có thể kích hoạt bất ổn chính trị ở Anh và châu Âu. Thủ tướng Cameron có thể từ chức, Scotland có thể yêu cầu cuộc bỏ phiếu thứ hai về việc tách khỏi Anh và quan điểm không ủng hộ EU có thể gia tăng ở các nước khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.