Ví MoMo đi đầu trong việc đưa thanh toán điện tử vào dịch vụ công

13/07/2020 08:00 GMT+7

Thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công thông qua Ví điện tử MoMo ngày càng gia tăng tại Khánh Hòa và nhiều tỉnh thành khác sau gần 1 năm thực hiện.

75% giao dịch thanh toán hành chính công bằng Ví MoMo

Ngày 3.7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm hoạt động Trung tâm Dịch vụ hành chính công (HCC) trực tuyến. Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ HCC trực tuyến tỉnh Khánh Hòa, việc đưa trung tâm đi vào hoạt động từ năm 2018 đã tạo diễn biến mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, giảm phiền hà.
Sau gần 2 năm hoạt động, đã có hơn 1 triệu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết. Trong đó, hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn là 964.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 96%. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, tổng số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua trung tâm là 172.440 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn là trên 98%.
Đặc biệt, từ tháng 9.2019, Trung tâm Dịch vụ HCC trực tuyến tỉnh Khánh Hòa và Ví MoMo đã chính thức triển khai thanh toán dịch vụ HCC. Theo đó, người dân khi sử dụng các dịch vụ HCC đã có thể thanh toán trực tuyến phí qua Ví MoMo bằng cách dùng tính năng quét QR Code của MoMo ngay tại website Trung tâm Dịch vụ HCC trực tuyến (https://hanhchinhcong.khanhhoa.gov.vn/).
Người dân dễ dàng thanh toán trực tuyến bằng Ví MoMo với 460 trong tổng số 1.751 thủ tục HCC tại các sở ban ngành, UBND các cấp trên toàn tỉnh Khánh Hòa.
Kết quả chỉ sau 10 tháng triển khai (tính đến hết tháng 6), lượng giao dịch qua Ví MoMo đã chiếm 75% tổng số lượng giao dịch qua Trung tâm Dịch vụ HCC với doanh thu thanh toán chiếm 74,2% tổng doanh thu, tương đương hơn 104 triệu đồng trên tổng số hơn 140 triệu đồng thanh toán phí, lệ phí.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ tháng 2 - 6, số lượng giao dịch và doanh thu thanh toán bằng Ví MoMo tăng đột biến, ước tính bằng hàng trăm lần so với thời gian trước đó. Điều này cũng góp phần đảm bảo người dân Khánh Hòa có thể trải nghiệm tốt và không bị gián đoạn giao dịch.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch đồng sáng lập Ví Momo

Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch đồng sáng lập Ví Momo

Đồng hành hướng đến xã hội không tiền mặt

Hợp tác giữa Ví MoMo và tỉnh Khánh Hòa chính là để thực hiện chủ trương của Chính phủ theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2019, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ví MoMo sẽ cùng phối hợp với Khánh Hòa bổ sung thêm các dịch vụ để khách hàng không chỉ dừng lại ở thanh toán phí mà còn lệ phí và nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt...
Từ thành công của tỉnh Khánh Hòa cho thấy, việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến trong lĩnh vực HCC không còn là vấn đề xa vời mà ngày càng trở nên phổ biến, gần gũi với người dân. Ví MoMo quyết tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan nhà nước để cùng hướng tới xã hội không tiền mặt trong thời gian sớm nhất.
Những năm qua, MoMo còn là ví điện tử tiên phong, được tin tưởng để đồng hành cùng các cấp tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng trong việc đưa thanh toán điện tử vào HCC. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, Ví MoMo cũng trở thành kênh thanh toán điện tử chính thức của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, Ví MoMo cũng đẩy mạnh hợp tác với các bệnh viện, trường học, chung cư trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử. Đặc biệt, đến nay đã có hơn 25 bệnh viện và hàng trăm trường học trên khắp cả nước chấp nhận thanh toán qua Ví MoMo.
Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo nhấn mạnh: “Thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến về bản chất là thúc đẩy sự phát triển của xã hội, xây dựng nền tảng của một xã hội không tiền mặt như mục tiêu Chính phủ hướng tới. Những kết quả mà tỉnh Khánh Hòa đạt được không chỉ cho thấy sự chấp hành nghiêm túc chủ trương của Chính phủ mà còn mở ra cách tiếp cận dịch vụ rất thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.