VFA không còn cơ hội độc quyền phân quota xuất khẩu gạo

04/04/2018 10:04 GMT+7

Không còn nhiều thị trường xuất khẩu gạo tập trung nên Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng không còn cơ hội độc quyền để phân quota xuất khẩu.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng thường trực Bộ NN - PTNTN Hà Công Tuấn tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 diễn ra tại Hà Nội chiều 3.4, khi nói về vai trò VFA trước câu hỏi của giới báo chí. Khi mới đây, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã công bố báo cáo nghiên cứu hoạt động, vai trò của VFA đối với thị trường gạo và đề xuất nhiều giải pháp cải tổ toàn diện.
Trước yêu cầu của ông Hà Công Tuấn về việc trả lời câu hỏi của báo chí về cải tổ VFA, ông Trần Văn Công, Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN - PTNT), tỏ ra khá lúng túng khi nói về vai trò của VFA.
Ông Công cho biết, VFA vừa kiện toàn bộ máy, trong thời gian qua Hiệp hội đã làm tốt nhiệm vụ điều tiết xuất nhập khẩu với hàng lương thực.
Cho rằng mặt hàng lương thực ảnh hưởng đến vấn đề an ninh nên việc đánh giá vai trò của VFA, ông Công xin phép Thứ trưởng Hà Công Tuấn cần phải có nghiên cứu cụ thể và báo cáo riêng.
Trong giải pháp tăng cường thúc đẩy xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Công cho biết, Bộ NN - PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương tiến hành rà soát sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ - CP nhằm thay đổi phương thức, thúc đẩy mạnh mẽ hơn và khuyến khích doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo.
Không để ông Công trình bày hết ý kiến, ông Hà Công Tuấn ngắt lời và đi thẳng vào vấn đề: cải tổ VFA ở đây phải xem lại hiệp hội này có còn độc quyền không, khi chủ yếu là phân quota xuất khẩu gạo. “Đúng là phải sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ - CP, nhưng VFA bây giờ không còn cơ hội phân quota nữa rồi”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Hà Công Tuấn, VFA chỉ còn độc quyền phân quota trong trường hợp xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung và trên cơ sở hiệp định giữa Việt Nam với các nước nhập khẩu. Nhưng hiện nay, thị trường tập trung không còn nhiều nữa, khi các nước bạn đấu giá theo thị trường. Hiện tại, Việt Nam chỉ còn hợp đồng tập trung với Dubai nhưng cũng chỉ có một doanh nghiệp được đề xuất triển khai. “Thế nên VFA không có vai trò độc quyền theo kiểu phân quota nữa và cải tổ VFA thì vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu của VEPR công bố mới đây, VFA hiện tại chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn. Nghị định 109/2010/NĐ - CP về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định về tiêu chuẩn thương nhân xuất khẩu gạo dựa trên quy mô sản xuất và địa bàn hoạt động. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao không đủ điều kiện trở thành thành viên của VFA.
Nghiên cứu của VEPR chỉ rõ, mặc dù có tên đầy đủ là Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhưng tổ chức này không đại diện quảng đại cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành gạo, không bao phủ tới nông dân và thương nhân trung gian.
Theo đó, VEPR khuyến nghị VFA cần cải tổ toàn diện và triệt để, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc: tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm. VFA nên giới hạn tên gọi trong phạm vi doanh nghiệp xuất khẩu, có thể là Hiệp hội xuất khẩu gạo Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.