Vé máy bay sẽ giảm tới 50% để kích cầu du lịch sau dịch cúm Vũ Hán

20/02/2020 11:49 GMT+7

Đó là thông tin từ Hội nghị "Công tác phòng chống dịch bệnh, tình hình hoạt động du lịch và giải pháp ứng phó với dịch Covid-19" do Tổng cục Du lịch kết hợp cùng Sở Du lịch TP.HCM tổ chức sáng nay (20.2)

Doanh nghiệp điêu đứng, doanh thu giảm tới 80%

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết:" Là trung tâm du lịch lớn của cả nước, TP.HCM đang chịu những tác động thiệt hại khá lớn do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, khách du lịch đến thành phố bằng đường hàng không trong tháng 2 giảm 28,35% so với tháng trước và giảm 22,72% so với cùng kỳ.
Thiệt hại nặng nề nhất là các DN. Trong đó, đối với các doanh nghiệp lữ hành: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.099 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo Luật Du lịch năm 2017. Khi xảy ra tình hình dịch bệnh Covid-19, tình trạng khách hủy các chương trình đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, hủy các chương trình tham quan du lịch... là phổ biến. Theo đánh giá sơ bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành lớn tại TP.HCM,  tính trong tháng 2 và đến quý 1.2020, doanh thu giảm từ 40 – 60%. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp kinh doanh thị trường Trung Quốc, doanh thu giảm mạnh từ 70 – 80%. Một số doanh nghiệp chuyên thị trường Trung Quốc thậm chí đã phải tạm ngưng hoạt động phòng du lịch cho đến tháng 6. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác do lượng khách giảm nhanh nên doanh thu giảm mạnh và theo đó doanh nghiệp không đủ chi phí để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh (hàng loạt công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với nhân viên).
Các doanh nghiệp kinh doanh thị trường out-bound cho biết lượng khách đăng ký giảm mạnh, điển hình như: Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ. Riêng các doanh nghiệp kinh doanh thị trường Inbound (trừ Trung Quốc) lượng khách giảm tương đối khoảng 10%. Ngoài ra, dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên du lịch, hiện có rất nhiều hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM đang thiếu công việc, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc.
Đối với các cơ sở lưu trú du lịch, công suất bán phòng của nhiều khách sạn 3 - 5 sao giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu của cơ sở lưu trú du lịch giảm 60 - 70% so với cùng kỳ năm. Một số cơ sở lưu trú du lịch cũng tính đến phương án giảm thiểu nhân sự, làm việc theo ca để giảm chi phí tiền lương.
Bên cạnh đó, theo số liệu cung cấp của một số nhà hàng lớn trên địa bàn thành phố, lượng khách giảm từ 30 - 50%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, kể cả các quán ăn nhỏ. Đối với các nhà hàng Hoa lượng khách giảm đáng kể (khoảng 70%). Hiện nay số lượng nhân viên, người lao động trong hệ thống các nhà hàng ăn uống có dấu hiệu giảm nhanh, phần lớn là nghỉ việc và nghỉ việc không hưởng lương. Ghi nhận lượng khách đến tham quan các địa điểm du lịch giảm khoảng từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng khách tham quan chủ yếu là đi theo các chương trình du lịch đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mở visa, giảm giá sản phẩm kích cầu sau dịch

Sở Du lịch TP dự báo sau khi dịch bệnh được khống chế, tình hình du lịch địa phương sẽ có khả năng hồi phục nhanh, trước hết là thị trường khách nội địa. Nếu như dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 3, du lịch nội đia có thể hồi phục ngay vào mùa cao điểm từ cuối tháng 5. Thời điểm này, du lịch trong nước chuẩn bị vào mùa nên ngành du lịch cần kích cầu thúc đẩy người dân đi du lịch, đồng thời xúc tiến đẩy mạnh đi du lịch nước ngoài để bù đắp những tổn thất kể từ đầu năm.
Để chuẩn bị sẵn sàng hồi phục sau dịch, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất Tổng cục Du lịch xem xét, có ý kiến đề xuất đối với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Cụ thể: Giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế của các doanh nghiệp du lịch và đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 hoặc quý 4.2020; Hỗ trợ giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh, đề xuất phương án miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về chính sách tài chính, tín dụng, đề xuất giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu; thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ du lịch…
Đặc biệt, Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan... Đồng thời, có chính sách miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử dành cho các thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đăng Cường, Trưởng phòng Phát triển bán và Tiếp thị Vietnam Airlines thông tin hiện nay, các đối tác Trung Quốc đã rậm rịch khôi phục thị trường này. Trong 3 kịch bản mà Vietnam Airlines mới xây dựng, các đường bay tới Trung Quốc sớm nhất có thể hoạt động vào tháng 4, muộn nhất là vào tháng 8 – 9. Các thị trường khác đang có tín hiệu tích cực đối với điểm đến Việt Nam. Để chung tay cùng ngành du lịch phục hồi sau dịch bệnh, Vietnam Airlines đang chủ động đẩy đưa ra các chương trình kích cầu ở cả 3 mảng: nội địa, inbound và outbound. Cụ thể, Hãng hàng không quốc gia cam kết giảm tối đa 50% giá vé nội địa, phụ thuộc hành trình và nhu cầu của du khách, chủ yếu tập trung các tuyến có nhu cầu lớn. Cùng với đó, ngay lập tức xây dựng phương án mở đường bay thẳng tới Ấn Độ, tiếp tục mở rộng mạng bay tới Úc vì đây là 2 điểm đến tiềm năng, được xác định tập trung kích cầu sau mùa dịch. "Các doanh nghiệp du lịch có thể đăng ký hợp tác với Vietnam Airlines trong các chương trình kích cầu, cùng phối hợp tạo ra những gói sản phẩm có nhu cầu lớn, thật sự có sự hấp dẫn, tránh giảm giá kích cầu dàn trải" - ông Cường nói.
 
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.