Vay tín chấp: Đừng 'chết' vì thiếu hiểu biết!

09/11/2015 06:00 GMT+7

Không cần tài sản thế chấp , thủ tục nhanh chóng, đơn giản; giải ngân liền trong vòng 48 giờ... những lời mời hấp dẫn như vậy khiến nhiều người chủ quan, chỉ chăm chăm đến số tiền được vay mà không cẩn thận tìm hiểu nên đã 'nếm trái đắng'.

Không cần tài sản thế chấp, thủ tục nhanh chóng, đơn giản; giải ngân liền trong vòng 48 giờ... những lời mời hấp dẫn như vậy khiến nhiều người chủ quan, chỉ chăm chăm đến số tiền được vay mà không cẩn thận tìm hiểu nên đã 'nếm trái đắng'.

Vay tín chấp, cẩn thận với các điều khoản trong hợp đồng - Ảnh: Ngọc ThắngVay tín chấp, cẩn thận với các điều khoản trong hợp đồng - Ảnh: Ngọc Thắng
Sức hấp dẫn khó cưỡng!
Anh Bùi Huy Hoàng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh mua chiếc điện thoại iPhone 6 với giá 16 triệu đồng tại một siêu thị điện máy trên đường Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy). Nhân viên bán hàng tư vấn anh chỉ cần trả trước 5 triệu đồng, số còn lại được một công ty tài chính cho vay và trả dần trong 12 tháng, mỗi tháng trả gần 1,5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Nhẩm tính lương mỗi tháng thấy có thể bù được, anh Hoàng đồng ý ký hợp đồng trả góp để mua.
Thấy thủ tục thì nhanh gọn, nhân viên tư vấn thì nhiệt tình, cởi mở, hơn nữa, số tiền phải trả mỗi tháng khá “dễ chịu”, anh Hoàng lại lân la sang các gian hàng khác. Tần ngần trước chiếc laptop Sony S đời mới, giá trên 20 triệu đồng hồi lâu, anh Hoàng mạnh dạn nhờ nhân viên tư vấn tính toán giùm nếu phải trả cả hai sản phẩm thì mỗi tháng anh phải bỏ ra một khoản chừng bao nhiêu? Chỉ 30 giây, nhân viên “phán”, “thêm hơn 2 triệu thôi anh ạ, nhưng anh phải trả trước khoảng 6 triệu cho chiếc máy này ạ”.
Thấy mức lương trưởng phòng IT hơn 20 triệu đồng mỗi tháng của mình vượt xa con số 4 triệu phải trả hằng tháng, số tiền trả ngay tại đây cũng chỉ hơn chục triệu, anh Hoàng đặt bút ký ngay hợp đồng mua trả góp và vội vàng về để khoe với bạn bè chứ không kịp đọc kỹ hợp đồng, khiến nhân viên tư vấn đang miệt mài giải thích phải chưng hửng.
Soi kỹ hợp đồng trước khi đặt bút
Có vẻ như đồ dùng mới “có duyên” với anh Hoàng. Chỉ sau 5 tháng kể từ khi có điện thoại và laptop mới, anh Hoàng được đặt hàng viết một phần mềm quản lý nhà hàng nhưng yêu cầu rất gấp do nhà hàng quy mô lớn, lại sắp khai trương. Dù biết sẽ rất vất vả nếu nhận công việc làm thêm này, nhưng khi đối tác hứa trả mức thù lao 40 triệu đồng nếu sau 2 tuần nữa giao sản phẩm, anh Hoàng quyết tâm sẽ thực hiện để trả dứt khoản nợ mà anh vẫn đều đặn thanh toán cả gốc lẫn lãi suốt 5 tháng qua.
Công việc làm thêm thành công hơn mong đợi, anh Hoàng hân hoan cầm tiền đến để tất toán hai khoản mua trả góp, và trong đầu nhen nhóm ý định mua thêm đồ mới.
Chỉ đến khi được nhân viên tư vấn giải thích lại đến lần thứ 3, anh Hoàng mới vò đầu bứt tai tự trách mình chủ quan. Nếu anh chịu đọc kỹ hợp đồng thì sẽ biết rằng ngoài số tiền còn lại phải thanh toán thì anh sẽ phải thanh toán thêm một khoản phí phạt trả trước hạn. Điều đó có nghĩa là thà rằng anh cứ trả đều đặn hằng tháng như trước, chứ nếu tất toán sớm thì số tiền còn cao hơn.
Với trường hợp của khách hàng trên, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng) đưa ra lời khuyên, các khách hàng khi vay cần xem thật kỹ hợp đồng, yêu cầu sao một bản riêng cho mình. Có gì thắc mắc thì yêu cầu giải thích ngay, tránh tình trạng cứ thấy nhân viên tư vấn bảo ký vào đâu là ký.
Nếu muốn tất toán khoản vay trước hạn, theo chuyên gia tài chính - TS Ngô Trí Long, khách hàng cần biết rằng trong các hợp đồng cho vay tín chấp (vay không có tài sản bảo đảm) đều quy định khách hàng sẽ phải thanh toán một mức phí nhất định (thường dao động trong khoảng 2 - 4% tổng giá trị khoản vay).
“Khi vay tín chấp, người dân cần hỏi thật chi tiết và lắng nghe cẩn thận các nhân viên tư vấn. Bên cạnh đó, cần tham khảo nhiều tổ chức tín dụng khác nhau, đồng thời xem xét kỹ điều kiện của mình để đưa ra quyết định vay cho hợp lý”, TS Long khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.