Vật liệu xây dựng tìm đường xuất khẩu

03/06/2014 03:30 GMT+7

Thị trường bất động sản, xây dựng trong nước chưa sôi động trở lại như trước nhưng nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng vẫn tăng trưởng tốt nhờ tìm hướng xuất khẩu gần đây.

Xi măng, sắt thép hiện đang được xuất khẩu nhiều, giúp doanh nghiệp giữ được sản lượng tiêu thụ - Ảnh: D.Đ.M
Xi măng, sắt thép hiện đang được xuất khẩu nhiều, giúp doanh nghiệp giữ được sản lượng
tiêu thụ - Ảnh: D.Đ.M 

Nhìn chung các sản phẩm vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, tôn các loại… từ đầu năm đến nay đều có mức tiêu thụ khá nhờ kim ngạch xuất khẩu gia tăng.

Xuất khẩu tăng hơn 40%

 

Xuất khẩu sang các nước ASEAN dù thuế là 0% nhưng hàng rào kỹ thuật khá khắt khe. Đặc biệt các nước cũng đang kiểm soát khá chặt và dễ áp dụng biện pháp kiện chống bán phá giá nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu vào các nước với số lượng lớn

TGĐ Công ty Thép Việt
Đỗ Duy Thái

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết trong 6 tháng đầu của niên độ tài chính 2013 - 2014 (tính từ tháng 10.2013 đến hết tháng 3.2014), doanh số xuất khẩu (XK) đạt khoảng 140 triệu USD, chiếm 44,4% tổng doanh thu của tập đoàn và tăng 19% so với cùng kỳ của niên độ tài chính trước đó. Từ đầu năm tới nay, mỗi tháng Công ty Thép Việt cũng XK được khoảng 32.000 tấn thép xây dựng sang các thị trường thuộc ASEAN, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng XK hiện chiếm 40% sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp (DN) này. Hay Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 cũng đang đặt ra mục tiêu XK 300.000 tấn sản phẩm trong năm nay, dù năm 2013 chỉ XK gần 198.000 tấn…

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Văn Huynh nhận định kim ngạch XK các mặt hàng vật liệu xây dựng nói chung đang tăng nhanh từ năm 2013 đến nay. Điều này đã góp phần giúp các DN giải phóng được lượng hàng tồn kho, duy trì sản xuất và công ăn việc làm cho người lao động.

Không dễ cạnh tranh

Thị trường khối ASEAN được xem là tương đồng và có nhiều thuận lợi để các DN vật liệu xây dựng Việt Nam đẩy mạnh XK. Tuy nhiên, theo TGĐ Công ty Thép Việt Đỗ Duy Thái, DN này phải mất khá nhiều thời gian trước đây để đàm phán với phía đối tác nhập khẩu.

“XK sang các nước ASEAN dù thuế là 0% nhưng hàng rào kỹ thuật khá khắt khe. Đặc biệt các nước cũng đang kiểm soát khá chặt và dễ áp dụng biện pháp kiện chống bán phá giá nếu DN nào XK vào các nước với số lượng lớn. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh giữa hàng Việt Nam với hàng của các nước hay với Trung Quốc XK sang cũng khá mạnh nên việc tìm kiếm được lợi nhuận càng khó khăn”, ông Đỗ Duy Thái phân tích. Tương tự, theo Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen Vũ Văn Thanh, hiện các nước đều có xu hướng bảo hộ nền sản xuất trong nước thông qua các hàng rào thương mại như chống bán phá giá hoặc tự vệ thương mại, nhất là khi bị tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây chính là những trở ngại lớn cho các DN khi muốn XK sản phẩm của mình.

Mặc dù vậy, nếu Việt Nam thành công trong việc ký kết Hiệp định TPP, các DN sẽ có một cơ hội rất lớn để đẩy mạnh XK ra nhiều nước khác ngoài ASEAN. Hiện các sản phẩm tôn của các DN Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu vào một số nước thành viên TPP như Mexico là 25%, Chile 6% và Peru  5%... Như vậy khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu bằng 0% thì các DN sẽ có những thuận lợi để khai thác các thị trường tiềm năng này. Điều quan trọng là DN phải đảm bảo ba yếu tố là chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả cạnh tranh và thời gian giao hàng nhanh chóng thì mới có thể bán được hàng.

Mai Phương

>> Doanh nghiệp vật liệu xây dựng điêu đứng
>> Kiến nghị nhiều biện pháp kích cầu vật liệu xây dựng
>> Hàng loạt cửa hàng vật liệu xây dựng sập bẫy lừa
>> Sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình
>> Sức mua càng “kích” càng yếu - Kỳ 2: Vật liệu xây dựng ế ẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.