Vàng có bị “đốt nóng” ?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
25/05/2020 06:29 GMT+7

Tình hình chính trị căng thẳng như dự luật an ninh dành cho Hồng Kông , quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang xấu đi... có làm giá vàng bị đốt nóng trong tuần này hay không là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư.

Căng thẳng chính trị “kích hoạt” giá vàng ?

Theo các chuyên gia, xung đột giữa cảnh sát Hồng Kông và người biểu tình phản đối dự luật an ninh quốc gia của Trung Quốc dành riêng cho đặc khu diễn ra vào 2 ngày cuối tuần qua có khả năng “kích hoạt” giá vàng nóng lên. Dự luật an ninh được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, với việc Tổng thống Donald Trump quy trách nhiệm cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), nhận xét: “Tuần tới, vàng sẽ bị dẫn dắt bởi những thông tin chính trị nhiều hơn kinh tế”.

“Thị trường vàng trong nước từ khi lên 48 - 49 triệu đồng/lượng đến nay, mãi lực khá ảm đạm. Thế nhưng “nước lên, thuyền lên”, giá vàng thế giới tăng sẽ kéo theo trong nước tăng, nếu không sẽ xảy ra tình trạng xuất khẩu vàng khi giá trong nước ở mức thấp hơn thế giới tăng cao”.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN

Ông Hải phân tích, ngoài dự luật an ninh tại Hồng Kông, còn nhiều thông tin chính trị khác không kém phần căng thẳng vào cuối tuần qua như Mỹ rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng do Nga vi phạm các cam kết theo thỏa thuận, cáo buộc Nga đã hạn chế máy bay trinh sát Mỹ bay qua Kaliningrad ở khu vực Baltic trong khuôn khổ hiệp ước. Thêm vào đó, chính quyền Mỹ đã thảo luận về khả năng tiến hành cuộc thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 1992, được cho là nhằm gửi thông điệp cảnh báo đến Nga và Trung Quốc... Tất cả những điều này khiến giá vàng trong tuần tới khó có thể giảm sâu, nhưng tăng đột biến như những năm trước đó thì cũng không có cửa. Đỉnh của giá vàng xác lập ở mức 1.923 USD/ounce vào tháng 9.2011. Trước đó, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến Mỹ tung ra gói hỗ trợ kinh tế hơn 4.000 tỉ USD và liên tục cắt giảm lãi suất từ 4% xuống 0,25% trong vòng 3 năm.
Không chỉ Mỹ, các nước khác cũng kích hoạt các gói hỗ trợ kinh tế khiến vàng xác lập mức giá cao nhất trong lịch sử. Còn hiện nay, các nước cũng đang tung các gói hỗ trợ kinh tế lên hàng nghìn tỉ USD nhưng bối cảnh có khác hơn. Đó là dư địa giảm lãi suất hiện nay không còn khi đã ở mức sát 0%, thậm chí nhiều dự báo còn đưa ra mức lãi suất âm. Bên cạnh đó, tháng 11 năm nay sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump sẽ phải hướng các gói hỗ trợ vào phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp... nên dù tung tiền tỉ USD thì vàng vẫn bị “thắng” lại, chỉ có thể lên đến 2.000 USD/ounce trước tháng 11.2020.

Vàng lên 50 triệu đồng/lượng ?

Sau khi tăng mạnh lên mức cao 49,5 triệu đồng/lượng vào đầu tuần qua, vàng miếng SJC đã giảm về 48,9 triệu đồng/lượng vào cuối tuần. Nguyên nhân do giá vàng thế giới giảm về 1.732 USD/ounce. Theo dự báo của ông Hải, vàng thế giới khả năng sẽ phá mức 1.800 USD/ounce trong tuần sau nếu có những thông tin chính trị bất ngờ xảy ra, lúc đó vàng SJC có thể sẽ tiến lên mức cao hơn 49,5 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, dự báo vàng thế giới có thể tăng lên mức 1.800 USD/ounce vào tuần tới thì vàng miếng SJC sẽ xác lập mức kỷ lục 50 triệu đồng/lượng. Những yếu tố địa chính trị hiện nay đang hỗ trợ cho đà tăng giá của vàng. Thời gian gần đây, vàng điều chỉnh giảm sau khi tăng lên mức cao, nhưng xét tổng thể những phiên tăng vẫn chiếm chủ yếu. Đà tăng chậm thực chất lại tạo ra thế khá vững chắc cho vàng.
Kết quả cuộc khảo sát về giá vàng hằng tuần của Kitco News, các chuyên gia, giới đầu tư cũng dự báo giá vàng từ ngày 25 - 29.5 sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, có 1.809 phiếu của nhà đầu tư trong cuộc thăm dò trực tuyến Main Street (Mỹ) cho kết quả 57% tin tưởng giá vàng sẽ đi lên, 26% dự báo vàng sẽ đi xuống và 17% nhận định kim loại quý sẽ đi ngang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.