Vấn nạn rác nhựa: Nhiều nước đã cấm, Việt Nam vẫn vô tư dùng

28/04/2019 07:49 GMT+7

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin nước này chính thức áp dụng lệnh cấm sử dụng túi ni lông tại 11.000 siêu thị, 2.000 cửa hàng tiện lợi và 18.000 tiệm bánh nhằm bảo vệ môi trường.

Từ đầu năm nay, truyền thông Hàn Quốc đưa tin nước này chính thức áp dụng lệnh cấm sử dụng túi ni lông tại 11.000 siêu thị, 2.000 cửa hàng tiện lợi và 18.000 tiệm bánh nhằm bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm tái chế (túi giấy hoặc túi vải). Trường hợp phát hiện vi phạm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm bánh sẽ bị tiền phạt lên tới 3 triệu won (khoảng 2.700 USD).
[VIDEO] Nín thở dọn rác ở dòng kênh đen như mực giữa Sài Gòn
Các cơ sở này buộc phải cung cấp cho khách hàng các túi bằng vật liệu có thể tái chế, túi vải hoặc túi giấy. Sắp tới, Hàn Quốc cũng sẽ nghiên cứu áp dụng lệnh cấm này đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần khác, ví dụ như ống hút, túi ni lông dùng trong tiệm giặt là, găng tay ni lông dùng một lần, màng bọc thực phẩm...
Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Úc cho hay tiêu thụ túi nhựa dùng một lần đã giảm 80% kể từ khi hai chuỗi siêu thị Coles và Woolworths ngưng sử dụng túi nhựa từ tháng 7.2018. Úc cũng đã ban hành luật loại bỏ túi nhựa sử dụng một lần ở mỗi bang và vùng lãnh thổ, trừ New South Wales.
Trước đó, hàng chục quốc gia đã áp lệnh cấm hoặc đánh thuế cao đối với mặt hàng túi ni lông, như Anh, Pháp, Trung Quốc, New Zealand và Hà Lan, ngay cả Kenya (châu Phi) cũng nghiêm khắc nhất đối với việc này khi đặt ra điều luật người vi phạm lệnh cấm có nguy cơ bị xử 4 năm tù hoặc chịu mức phạt hành chính lên tới 39.000 USD.
Vào tháng 10.2018, Nghị viện Châu Âu cũng bỏ phiếu cấm một loạt sản phẩm nhựa sử dụng một lần như ống hút, tăm bông ngoáy tai và dao, nĩa nhựa nhằm hạn chế ô nhiễm đại dương. Một số nước yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi ni lông khi mua hàng…
Tại khu vực Đông Nam Á, năm 2017 Chính phủ Malaysia đã ban hành lệnh cấm sử dụng sản phẩm túi ni lông và hộp xốp trong việc mua sắm tại thủ đô Kuala Lumpur, trung tâm hành chính mới Putrajaya và trung tâm thương mại Labuan. Malaysia tuyên bố hướng tới mục tiêu loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2030 và dự kiến sẽ áp mức thuế rất cao đối với túi ni lông.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nhận xét nếu chỉ áp dụng lệnh cấm đối với người tiêu dùng thì sẽ không có tác dụng. Vì vậy, VN phải áp dụng đồng thời nhiều giải pháp. Trong đó bao gồm việc khuyến khích để các cơ sở sản xuất chuyển đổi mặt hàng thay thế túi ni lông. Đồng thời đưa ra lộ trình để các chợ, siêu thị chỉ cung cấp bao bì tự hủy, thân thiện môi trường cho khách hàng cũng như tăng cao thuế đối với các sản phẩm này.
Trước mắt, cần áp dụng ngay việc yêu cầu các trường học, các cơ quan hành chính hay một số điểm du lịch không sử dụng túi ni lông hay các hội nghị của nhà nước không sử dụng nước uống trong chai nhựa… Lộ trình thực hiện việc đó không được kéo dài mà chỉ trong vòng 2 - 3 năm tới, tốt nhất là đến hết năm 2020 các đơn vị đó sẽ nói không với rác thải nhựa. “Ở VN nếu chỉ áp dụng lệnh cấm sử dụng thì không khả thi mà phải đồng loạt, từ tuyên truyền đến nâng cao nhận thức về sự nguy hại của rác thải nhựa.
Điều này không chỉ thực hiện đối với người dân mà còn ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị bộ, ngành. Làm ngay và có quy định chặt chẽ mới hy vọng giảm được lượng rác thải nhựa nguy hiểm đang nhấn chìm VN nói riêng và trái đất nói chung”, PGS-TS Tuấn phân tích thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.