Vận chuyển hàng hóa cứu lỗ cho vận tải

23/07/2021 06:54 GMT+7

Ngành đường sắt, hàng không đang tích cực vận chuyển hàng hóa để bù đắp khoảng trống quá lớn khi vận tải hành khách đóng băng vì dịch bệnh.

Đường sắt “thoát chết” nhờ chở hàng

Ngày 20.7 vừa qua, chuyến tàu chuyên container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ chính thức xuất phát từ Ga liên vận quốc tế Yên Viên (Hà Nội), đánh dấu một cột mốc mới của ngành đường sắt Việt Nam. Đoàn tàu container chở hàng gồm 23 container 40 feet vận chuyển các loại hàng hóa như dệt may, da giày, điện tử xuất phát từ Ga Yên Viên, vận chuyển đến Trịnh Châu (Trung Quốc) sau đó được kết nối vào đoàn tàu Á - Âu tới TP.Liege (Bỉ) rồi chuyển đường bộ đi đến điểm đích là TP.Rotterdam (Hà Lan).
Thời gian tới, VNR sẽ từng bước tăng tỷ lệ vận tải hàng hóa để bù đắp vào vận tải hành khách, đồng thời dành quỹ đường vận tải hành khách sang quỹ đường vận tải hàng hóa, mở thêm các tuyến container mới chạy tuyến Bắc - Nam.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR
Đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) nhận định việc tổ chức thành công đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan... Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với thời kỳ khó khăn thì vận tải đường sắt đang là đối tác vận chuyển đáng tin cậy để đưa hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu. Đường sắt có ưu thế bởi hệ thống kết nối với đường sắt liên vận quốc tế hiệu quả, các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ, chi phí vận tải phù hợp, ít tác động đến môi trường. Hiện nay, VNR đang cung cấp dịch vụ vận chuyển container bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc; quá cảnh đi Nga, châu Âu, các nước ASEAN và các nước Trung Á với dịch vụ logistics trọn gói “door to door” cho các khách hàng. Bên cạnh đó, đơn vị này cùng các đối tác châu Âu đang xây dựng kế hoạch để tổ chức vận chuyển 8 chuyến tàu/tháng xuất phát tại Việt Nam. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình từ 25 - 27 ngày.

Ga Huế bất ngờ đón hàng chục người dân về quê tránh Covid-19 bằng tàu hỏa

Trước khi tăng cường tổ chức những chuyến vận tải hàng hóa liên vận quốc tế, ngành đường sắt Việt Nam cũng đã phải nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa nội địa để bù lỗ.
Theo báo cáo của VNR, do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2020, tổng công ty lỗ hơn 1.300 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành đường sắt đã phải dừng chạy 2.300 đoàn tàu khách. Hiện trên tuyến đường sắt chỉ chạy duy nhất đôi tàu khách Bắc - Nam (SE7/SE8) và tàu hàng. Các tàu khách khu đoạn địa phương đã bị tạm dừng do không có khách. Tuy vậy, nhờ chuyển hướng sang vận tải hàng hóa, doanh thu vận tải của tổng công ty trong 6 tháng vẫn đạt 1.249 tỉ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Mức lỗ cũng giảm, gánh lỗ hơn 400 tỉ đồng trong 6 tháng và dự tính hơn 940 tỉ đồng trong năm nay. Thống kê cho thấy doanh thu vận tải hàng hóa của VNR trong 6 tháng đã tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng các mặt hàng truyền thống như quặng apatit tăng 31%, than tăng 10%, phân bón tăng 8%...
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, cho biết tỷ trọng doanh thu vận tải hàng hóa đối với ngành đường sắt vẫn còn thấp, chỉ chiếm 1/3 trong tổng doanh thu vận tải. Tuy vậy, mức tăng trưởng nói trên cũng phần nào giúp VNR giảm lỗ, bù đắp chi phí để doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động trong bối cảnh doanh thu vận tải khách sụt giảm nghiêm trọng.

Hàng không mở “cuộc đua” mới

Giống với đường sắt, vận tải hàng hóa cũng đang là điểm tựa duy nhất đối với doanh nghiệp hàng không giữa bão Covid-19. Thống kê từ Cục Hàng không, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng gấp 3 lần so với trước dịch (tính trong giai đoạn 1 năm).
Đơn cử, có 65% doanh thu đến từ các đường bay quốc tế, sở hữu đội tàu bay quy mô lớn nhất trong các hãng bay nội địa nên khi dịch bệnh bùng phát và kéo dài, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lập tức điêu đứng vì mức độ thiệt hại nặng hơn rất nhiều so với các hãng khác. Trước áp lực giảm lỗ, tăng doanh thu bằng mọi giá, Vietnam Airlines đã có chiến lược đẩy mạnh vận tải hàng hóa để phục vụ giao thương, sản xuất của các tỉnh thành và đất nước.
Hãng đã xây dựng 30 đường bay quốc tế thường lệ để chở hàng, đồng thời hoán cải 8 máy bay chở khách thành các máy bay chở hàng bằng cách tháo toàn bộ ghế trên khoang khách, hoặc bọc ghế lại để chất xếp hàng hóa trên khoang khách. Việc này giúp năng lực vận chuyển hàng hóa mỗi loại máy bay tăng lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa của Vietnam Airlines đạt gần 93.000 tấn, doanh thu đạt hơn 2.600 tỉ đồng. Doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng, trong khi giai đoạn trước dịch Covid-19 chỉ chiếm 9%.

Nỗi lòng người Đà Nẵng ngày về tránh Covid-19: Thất nghiệp 2 tháng không xu dính túi

Ngay từ đầu 2020, Vietjet đã chính thức phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa, là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC). Trong giai đoạn này, lượng hàng hóa hãng vận chuyển đạt hơn 60.000 tấn giữa các nước, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 75% so với năm trước. Chỉ trong quý 4/2020, doanh thu vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của Vietjet Air tăng nhanh, đạt 75%, cả năm 2020 tăng trưởng 16%. Nhờ vậy, giữa bão Covid-19, Vietjet vẫn được tạp chí về vận tải hàng không Payload Asia bình chọn là hãng hàng không vận chuyển hàng hóa trong khoang hành lý tốt nhất của năm và hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hóa tốt nhất năm.
Không chỉ hỗ trợ giảm lỗ, việc chuyển hướng tập trung vận chuyển hàng hóa còn mở ra cơ hội cho ngành hàng không Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường vốn đang nằm trong tay của các doanh nghiệp ngoại. Tiếp đà tăng trưởng, Vietnam Airlines chính thức thông tin đang chuẩn bị đội ngũ khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt và sẽ sớm thành lập hãng hàng không hàng hóa (air cargo). Hay mới đây, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đang quyết tâm xin được chuẩn bị thành lập Hãng vận tải hàng không IPP Air Cargo, tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD) với mục tiêu xây dựng hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, giành lại hơn 80% thị phần đang nằm trong tay các hãng máy bay cargo quốc tế...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.