Vải thiều Hải Dương chinh phục khách hàng Nhật Bản

Lê Tân
Lê Tân
02/06/2021 09:22 GMT+7

Nhờ làm tốt công tác chống dịch Covid-19 và đa dạng hóa kênh phân phối, quả vải thiều Hải Dương đang có lượng tiêu thụ tốt không chỉ trong nước mà còn được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng.

Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, Nhật Bản vừa chính thức cấp phép, xác nhận bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật cho 3 buồng hun trùng vải tươi xuất khẩu sang thị trường khó tính này.
Đó là các buồng hun trùng của 2 Công ty CP Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ. Điều này sẽ giúp vải tươi của Hải Dương được hun trùng tại chỗ, không phải vận chuyển tới Cục Bảo vệ thực vật như thời gian qua. Qua đó tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển. Được biết, công suất tối đa của 3 buồng hun trùng này đạt 50 tấn/ngày.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, thông tin: “Từ đầu mùa đến nay, đã có gần 50 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) xuất sang Nhật, tất cả đều đạt chuẩn của nước bạn. Có thể nói, trái vải Hải Dương đang tiếp tục làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất hành tinh”.

Được mùa, thị trường vẫn tăng trưởng tốt

Theo bà Kiểm, năm nay Hải Dương được mùa vải thiều, giá vải dao động từ 16.000 - 28.000 đồng/kg. Đáng chú ý, ngoài thị trường chính là Trung Quốc thì sản lượng tiêu thụ vải Hải Dương các thị trường “khó tính” như Mỹ, Úc, Nhật tăng mạnh so với năm 2020. Đặc biệt, thị trường trong nước, với kênh phân phối là các sàn thương mại điện tử và chuỗi các siêu thị lớn trong cả nước cũng tăng trưởng tốt.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Lương Ngọc, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Sở Công thương tỉnh Hải Dương, cho biết: “Đây cũng là năm đầu tiên Hải Dương đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xu hướng mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến. Việc đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử đã góp phần phát triển thị trường, mở rộng kênh tuyên truyền, quảng bá”.
Cụ thể, từ ngày 15.5, vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương đã chính thức được mở bán trên Lazada.vn. Đến ngày 17.5, vải thiều Thanh Hà được bán trên sàn Voso.vn. Ngày 24.5 vải thiều Thanh Hà tiếp tục được bán trên sàn Sendo. Thống kê của Sở NN-PTNT Hải Dương cho thấy, chỉ sau hơn 4 tiếng mở bán trên Sendo, đã có hơn 3 tấn vải thiều Thanh Hà được khách hàng đặt mua và nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng.
Ước tính, từ ngày 23.5 đến nay, 60% sản lượng vải ở Hải Dương đã được tiêu thụ. Tính ra, mỗi ngày Hải Dương bán được từ 1.300 đến 1.500 tấn vải.
Ông Nguyễn Thành Công, một người trồng vải ở xã Thanh Quang (H.Thanh Hà) cho biết: “Những năm trước, giá vải phụ thuộc nhiều vào thương lái Trung Quốc, năm nay lên sàn rồi, giá ổn định mà được phân phối rộng hơn, nông dân chúng tôi vui lắm”.

Được cả Mỹ, Úc chấp nhận

Ngoài việc đa dạng hóa các kênh phân phối, chất lượng quả vải năm nay cũng là yếu tố quan trọng để quả vải được các thị trường khó tính ưa chuộng. Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Dương, cho biết: “Kết quả phân tích, giám định hơn 800 chỉ tiêu bảo vệ thực vật của quả vải Hải Dương cho kết quả không còn dư lượng. Đó là yếu tố giúp vải Hải Dương được các thị trường Nhật, Mỹ, Úc chấp nhận”.
Đáng chú ý, trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì cả vùng vải Thanh Hà (Hải Dương) không có ca nhiễm nào. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương đã yêu cầu bảo vệ an toàn tuyệt đối cho vùng vải. Xe ra vào vùng vải Thanh Hà được kiểm tra, theo dõi y tế chặt chẽ. “Thương lái Trung Quốc không sang thu mua nhưng thương lái trong tỉnh đã chủ động mang hàng lên cửa khẩu giao. Qua đó vẫn đảm bảo được sự thông thương trong mùa dịch”, bà Kiểm chia sẻ.
Hiện nay, 200 ha vải thiều Thanh Hà đã báo mã, khoảng vài ngày nữa, vải thiều Thanh Hà sẽ chín rộ. Đáng chú ý, thời gian gần đây, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được nói đến nhiều, tuy nhiên, ít người biết rằng vải thiều Lục Ngạn có xuất xứ chính từ Thanh Hà. Ở Thanh Hà còn có một tấm bia của người dân Lục Ngạn dựng để cảm ơn vùng quê này đã cho bà con các dân tộc Lục Ngạn cơ hội đổi đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.