Vải thiều đẹp mã, giá cao ngay đầu vụ

29/05/2019 10:14 GMT+7

Thời tiết thuận lợi giúp quả vải thiều Bắc Giang năm nay đẹp mã và có giá cao ngay từ đầu vụ. Đây cũng là mùa vải thiều đầu tiên tại Bắc Giang thực hiện quy định mới về xuất khẩu trái cây từ phía Trung Quốc.

Vải chín sớm giá cao gấp 2 - 3 lần năm trước

Những ngày này, chị Ninh Thị Nói (xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đang tất bật thu hoạch vải u hồng chín sớm. Vải hái đến đâu, thương lái đến tận vườn thu mua đến đấy. Vải u hồng chín sớm chỉ có thương lái Việt Nam thu mua, mang đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Giá bán xô tại vườn là 27.000 đồng/kg. Với 100 gốc vải u hồng năm nay trúng vụ, dự báo doanh thu của gia đình chị không dưới 100 triệu đồng.
Chị Nói cho biết, ở thời điểm vải ra hoa vào quả, thời tiết năm nay đặc biệt thuận lợi nên không có sâu đầu cuống quả, mã vải sáng và đẹp hơn, nên tốn rất ít công chăm sóc. Cùi vải đóng cũng chắc, dày và vị ngọt đậm hơn.
Là thương lái chuyên thu mua vải u hồng chín sớm, ông Nguyễn Văn Ngoan (huyện Lục Nam, Bắc Giang) cho biết, giá vải năm nay cao gấp nhiều lần so với năm ngoái. Trong ngày 27.5, giá vải thu mua tại vườn nếu mua xô thì 25.000 - 26.000 đồng/kg loại vải u hồng, nếu là “hàng chọn” thì giá lên tới 29.000 - 30.000 đồng/kg. “Mùa vải năm ngoái, vải u hồng chín sớm chỉ có 10.000 - 15.000 đồng/kg, thì giá vải năm nay cao gấp 2 - 3 lần”, anh Ngoan cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, vải chín sớm đang được thu hoạch rộ ở các xã trên địa bàn huyện Tân Yên và các xã vùng cao của huyện Lục Ngạn. Dự báo đến khoảng đầu tháng 6, vải thiều chính vụ mới bắt đầu cho thu hoạch. Nhưng loại vải thiều chín sớm cũng đang được bán giá từ 30.000 - 55.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao hơn so với thời điểm đầu vụ vải thiều năm ngoái.

Sẵn sàng đáp ứng truy xuất nguồn gốc vải thiều

Theo quy định mới của các cơ quan chức năng phía Trung Quốc, từ mùa vụ năm 2019, vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang nước này phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đảm bảo đủ điều kiện nhập khẩu vào thị trường trên 1 tỉ dân này.
Là một trong những cơ sở đóng gói đầu tiên được cấp mã số đóng gói, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết ngay từ đầu năm nay, nhiều đoàn Trung Quốc đã đến cơ sở đóng gói và tham quan các vùng trồng vải để thẩm định cơ sở vật chất, cũng như quy trình sản xuất. Các quy định xuất khẩu vải Trung Quốc năm nay siết chặt hơn, nhưng các nhà vườn, cơ sở đóng gói tự tin đáp ứng theo quy định mới, đến thời điểm này chưa ghi nhận khó khăn gì.
Cũng theo ông Đông, Hợp tác xã Hồng Giang có 19 xã viên với trên 20 ha vải thiều, ngoài ra còn liên kết bao tiêu với khoảng 100 hộ dân khác, hiện đều đã sẵn sàng xuất khẩu vải thiều theo quy định mới. “Chúng tôi cũng ủng hộ việc đóng gói, truy xuất nguồn gốc vải thiều xuất khẩu đi Trung Quốc để giữ thương hiệu”, ông Đông nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho rằng vải được giá cao ngay từ đầu vụ là tín hiệu tốt cho mùa tiêu thụ năm nay. Dự kiến sản lượng vải toàn tỉnh đạt khoảng 150.000 tấn, chất lượng vải tốt nhất so với nhiều năm trở lại đây, các kênh tiêu thụ ổn định dự báo giúp vải giữ được giá cao hơn so với năm ngoái.
Cũng theo ông Tấn, toàn tỉnh Bắc Giang đã được cấp 149 mã số vùng trồng và 86 mã số cho các cơ sở đóng gói vải thiều xuất đi Trung Quốc. Trong đó, mã số vùng trồng được cấp cơ bản “phủ sóng” diện tích 16.000 ha trồng vải thiều của toàn tỉnh. Hiện tại mỗi ngày, thương lái Trung Quốc vẫn thu mua và xuất khẩu hàng chục xe vải thiều và chưa ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trước quy định mới về truy xuất nguồn gốc, đóng gói vải thiều sang Trung Quốc.
Đối với thị trường trong nước, quả vải thiều Bắc Giang năm nay tiếp tục mở rộng thêm nhiều kênh phân phối tại miền Trung, miền Nam và hệ thống phân phối của các doanh nghiệp lớn.
“Dù Trung Quốc có quy định hay không thì sớm muộn cũng phải làm truy xuất nguồn gốc, bao gói vải thiều xuất khẩu để khẳng định thương hiệu vải thiều, và quy định từ phía Trung Quốc giúp người nông dân thay đổi nhận thức, hành vi áp dụng tiêu chuẩn VietGap, Global Gap vào vườn vải để quả có chất lượng cao hơn, có nguồn gốc rõ ràng để hướng đến xuất khẩu”, ông Tấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.