Vải thiều Bắc Giang chốt đơn ‘khủng’ ngày đầu mở bán

08/06/2021 17:31 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ “chốt” những đơn hàng “khủng”, cam kết thu mua hàng nghìn tấn vải thiều Bắc Giang chính vụ để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản này tại thị trường trong nước qua các sàn thương mại điện tử.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ “chốt” những đơn hàng “khủng”, cam kết thu mua hàng nghìn tấn vải thiều chính vụ Bắc Giang để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản này tại thị trường trong nước qua các sàn thương mại điện tử.

Vải thiều có mặt khắp sàn thương mại điện tử

Ngày 8.6, tại Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức trực tuyến kết nối với 22 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Singapore.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết vải thiều chính vụ bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 10.6 với sản lượng 135.000 tấn. Ở thị trường trong nước, ngoài các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… Năm nay, Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và tây Nam bộ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, giao thông khó khăn, vải thiều Bắc Giang đã được kết nối và mở bán trên khắp các sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn; Voso.vn; Postmart.vn; Yunnan.cn...cũng như đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh bán hàng online trên faceboook, zalo… Đặc biệt tại hội nghị, tỉnh Bắc Giang chính thức khai trương gian hàng bán vải thiều trên sàn thương mại điện tử Alibaba. 
Ngay tại hội nghi, các doanh nghiệp lớn đã “chốt” ngay những đơn hàng “khủng", công bố kế hoạch thu mua và tiêu thụ trong vụ vải năm nay. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce, cho biết doanh nghiệp này hiện đã ký kết với các hợp tác xã, đồng thời cam kết với Sở Công thương tỉnh Bắc Giang sẽ thu mua 2.000 tấn vải thiều đưa vào tiêu thụ ở 2.500 cửa hàng và siêu thị VinMart/VinMart+ trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, VinCommerce cũng mở gian hàng VinMart trên trang thương mại điện tử Lazada.vn giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận mua hàng dễ dàng, nhanh chóng và đảm bảo an toàn trong mùa dịch Covid-19.
Còn theo đại diện Tập đoàn Central Retail, thông qua hệ thống siêu thị Big C, GO! và Tops Mark, doanh nghiệp này dự kiến năm nay tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải thiều. Mong muốn người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng sản phẩm chính gốc, vải thiều sẽ được thu mua từ các nhà vườn có chứng nhận Vietgap, có mã vạch truy xuất nguồn gốc…
Hiện tại, Central Retail đã làm việc với các đối tác vận chuyển để đẩy mạnh kênh bán vải thiều trực tuyến. Theo đó, khách hàng đặt mua trực tuyến sẽ được vận chuyển, giao hàng tại nhà.

Xuất khẩu sang Nhật Bản dự báo tăng mạnh

Chia sẻ từ điểm cầu ở Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, thông tin quả vải rất khó trồng ở Nhật Bản vì đây là nước ôn đới. Hiện sản lượng quả vải trồng tại Nhật chỉ đáp ứng khoảng 5% nhu cầu tiêu thụ của người dân Nhật Bản. Vải được coi là nông sản cao cấp với giá bán rất cao.
Để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, Nhật Bản phải nhập khẩu quả vải tươi từ nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Mexico, Honduras...
Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, năm 2020 vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu chiếm 10% thị phần ở thị trường Nhật (xếp thứ 3 sau Trung Quốc và Đài Loan). Nhưng đây là là năm đầu tiên, doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Có chất lượng thơm ngon, quả vải Việt Nam gây được hiệu ứng tốt, dự kiến năm nay sản lượng vải thiều tươi nhập khẩu tăng lên gấp nhiều lần.
“Dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản”, ông Nam nói.
Ông Phan Thế Tuấn cũng cho biết, Bắc Giang luôn coi trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống, trong năm nay nước này công nhận thêm 11 cơ sở đóng gói vải thiều từ Việt Nam.
Nhưng vải thiều Bắc Giang chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản đã khẳng định thương hiệu uy tín, chất lượng vượt trội của loại quả đặc sản này. Thành công ở thị trường Nhật Bản cũng là cơ sở để Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, Úc, EU, Hàn Quốc….
Cũng theo ông Tuấn, hiện tại các doanh nghiệp, thương nhân thu mua vải thiều với giá từ 20.000 - 55.000 đồng/kg và dự kiến giá sẽ còn tiếp tục tăng vào thời điểm giữa, cuối vụ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.