USD trong và ngoài ngân hàng tăng giảm trái chiều

Thanh Xuân
Thanh Xuân
28/09/2018 15:16 GMT+7

Các ngân hàng thương mại giảm giá USD trong ngày 28.9 nhưng giá USD tự do lại tăng mạnh.

Ngày 28.9, giá đồng bạc xanh tại các ngân hàng giảm từ 10 - 15 đồng/USD so với chiều 27.9. Giá mua USD tại Eximbank còn 23.280 - 23.300 đồng, giá bán còn 23.380 đồng/USD. Vietcombank giảm giá USD 15 đồng, giá mua còn 23.290 đồng, giá bán còn 23.370 đồng… Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố giảm 1 đồng/USD, còn 22.714 đồng/USD.
Ngược chiều với giá USD trong ngân hàng, trên thị trường tự do, giá USD tăng từ 30 - 55 đồng/USD. Giá mua USD tăng mạnh 55 đồng, lên 23.455 đồng/USD; giá bán tăng 30 đồng, lên 23.470 đồng/USD.
Giá các ngoại tệ khác giảm khá mạnh. Tại Eximbank, giá bảng Anh giảm 135 đồng, giá mua - giá bán còn 30.286 - 30.691 đồng/bảng; franc Thụy Sĩ giảm 234 đồng, còn 23.711 - 24.027 đồng; giá euro giảm gần 150 đồng, còn 26.966 - 27.326 đồng/euro; đôla New Zealand giảm 80 đồng, còn 15.273 - 15.523 đồng… Nguyên nhân do giá USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index tăng 0,8 điểm so với chiều 27.9, lên 95,04 điểm. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất USD thêm 0,25% đã hỗ trợ USD tăng giá.
Trước lộ trình Fed tăng lãi suất vừa qua và trong thời gian tới, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, HSBC Việt Nam cho rằng điều này gây áp lực lên tỷ giá - lãi suất. Áp lực này sẽ bị cộng hưởng hay giảm nhẹ còn phụ thuộc nhiều vào biến động của nhân dân tệ (NDT) - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đồng NDT ổn định có thể giúp neo giữ sự ổn định chung của tỷ giá trong khu vực trong đó có đồng Việt Nam (VNĐ), nếu ngược lại thì rủi ro tỷ giá là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, với việc Fed tiếp tục tăng lãi suất, rủi ro về dòng vốn đầu tư dịch chuyển, áp lực lạm phát, cơ chế điều hành chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trở nên thách thức hơn. Về phía doanh nghiệp, Fed tăng lãi suất đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất trong đó có lãi suất cho vay tăng, kéo theo gia tăng chi phí vốn. Khi chi phí vốn tăng, lợi nhuận doanh nghiệp có thể chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, với việc nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ tăng trưởng tích cực, nhu cầu đầu tư, chi tiêu tăng lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam vì thế cần tận dụng cơ hội này đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh, bên cạnh việc sử dụng linh hoạt các công cụ phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động khó lường trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.