USD mạnh lên: Người được kẻ mất

14/04/2015 14:44 GMT+7

(TNO) Giá trị đồng USD đang ở mức cao nhất trong vòng hơn một thập niên qua. Điều này phân bố lại cục diện kinh tế toàn cầu: eurozone và Nhật Bản hưởng lợi, trong khi các nền kinh tế mới nổi thì ngược lại.

(TNO) Giá trị đồng USD đang ở mức cao nhất trong vòng hơn một thập niên qua. Điều này phân bố lại cục diện kinh tế toàn cầu: eurozone và Nhật Bản hưởng lợi, trong khi các nền kinh tế mới nổi thì ngược lại.

Chỉ số USD đã tăng khoảng 25% kể từ tháng ngày 6.5.2014 đến nay - Ảnh: Reuters
Bloomberg hôm 13.4 đưa tin chỉ số USD, chỉ số vốn được dùng để theo dõi diễn biến của đồng tiền này so với 6 đồng tiền chính khác, đã tăng khoảng 25% kể từ tháng ngày 6.5.2014.
Chuyên gia kinh tế Charles Collyns thuộc Viện tài chính quốc tế ở Washington và là cựu thành viên Bộ Tài chính Mỹ cho rằng USD mạnh lên phân phối lại thứ tự trong tăng trưởng toàn cầu. Peter Hooper, nhà kinh tế hàng đầu tại Công ty chứng khoán Deutsche Bank ở New York (Mỹ), thì cho hay: “USD tăng giá khiến thế giới chia thành hai nhóm: kẻ được người mất”.
Tuần trước, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng chung nhận định khi cho biết đồng bạc xanh tăng giá là một yếu tố tiềm ẩn nhiều thay đổi lên nền kinh tế thế giới. Biến động của USD cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp giữa IMF, Ngân hàng thế giới (WB) và ngân hàng trung ương các nước trong tuần này.
Nhiều nước chịu thiệt hại
Mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York - Ảnh: Reuters
Đồng đô la đang ở mức cao hiện làm giảm tính cạnh tranh của Mỹ và các nền kinh tế có tỉ giá gắn với USD. Cụ thể, giá sản phẩm được định giá bằng USD sẽ tăng, lợi nhuận vì thế có nguy cơ sụt giảm.
Bloomberg dẫn ví dụ hãng bán lẻ trang sức Tiffany & Co và hãng sản xuất hạt giống Monsanto (Mỹ) cùng cho rằng USD đi lên sẽ khiến doanh thu họ chuyển biến theo chiều ngược lại.
Gây áp lực lên xuất khẩu, giá trị đồng bạc xanh tăng mạnh sẽ làm tăng trưởng sản lượng hàng năm của Mỹ giảm 0,75 điểm phần trăm, tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức Deutsche Bank dự báo.
Với các nền kinh tế mới nổi, USD lên giá là tin xấu. Vốn được định giá bằng USD, giá thương phẩm của các nước xuất khẩu sẽ giảm khi giá trị đồng tiền này đi lên.
Tờ The Guardian cuối tháng 3 cũng đưa ra nhận định: Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị nâng lãi suất, giá USD tăng cao trong khi giá dầu thấp gia tăng áp lực lên nền tài chính của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Do đó, mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ mới đã hiện hữu. Bà Ann Pettifor, tác giả cuốn “Cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đầu tiên” xuất bản năm 2003, cho rằng thế giới sẽ sớm đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Theo chuyên gia kinh tế Adam Slater tại Oxford Economics (Anh), tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi cũng có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 khi đồng bạc xanh tăng giá.
Malaysia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Venezuela là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tiếp sau, đó là Brazil, Nam Phi và Hungary, theo Bloomberg.
Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, tình hình sẽ lạc quan hơn vì hai nước này vẫn có lượng nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
Quốc gia hưởng lợi
Eurozone và Nhật Bản đang kỳ vọng có thể đạt được mức lạm phát cần thiết - Ảnh: Reuters
Ngược lại, khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản đang được hưởng lợi.
Bloomberg cho hay đồng bạc xanh tăng giá là thông tin được chào đón đối với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Cả hai ngân hàng này đều đang dựa trên tỉ giá hối đoái yếu hơn để củng cố chính sách tiền tệ, tăng nguồn cầu nước ngoài và giá nhập khẩu. Cách này có thể hỗ trợ tăng trưởng và giúp nền kinh tế đạt mức lạm phát cần thiết.
Tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, việc EUR giảm giá có thể giúp kinh tế toàn khối tăng 0,3 điểm phần trăm trong năm nay và 0,5 điểm phần trăm trong năm tới, theo ước tính của Deutsche Bank. Bloomberg dẫn ví dụ chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 21% từ đầu năm đến nay do các nhà đầu tư tin rằng kinh tế châu Âu sẽ tiến triển.
Các chuyên gia của công ty tài chính đa quốc gia Citigroup thì xác định Phần Lan, Ireland, Đức và Hà Lan là những nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Với Nhật Bản, Deutsche Bank cho biết khi yên Nhật (JPY) giảm giá 10%, tăng trưởng kinh tế nhích thêm 0,2 điểm phần trăm trong vòng hai năm. Điều này đồng nghĩa với việc JPY giảm giá 30% từ năm 2012 đến nay có thể hỗ trợ nỗ lực của nước này trong việc thoát khỏi giảm phát.
Nhìn chung, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Charles Collyns, dù gây ra “một chút bất ổn, một chút không chắc chắn”, đồng USD mạnh lên vẫn là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.