Ùn tắc tăng theo chiều thẳng đứng ?

10/09/2019 14:08 GMT+7

Thông tin về mỗi dự án sửa chữa hay mở rộng cầu, đường nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân thành phố.

Sau khi thông tin chuẩn bị khởi công loạt dự án giảm ùn tắc tại TP.HCM được đăng tải trên Báo điện tử Thanh Niên với nội dung: "Dự kiến cuối năm nay, nhiều dự án mở rộng đường giải tỏa áp lực giao thông tại các cửa ngõ TP.HCM sẽ chính thức khởi công", Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc.

"Mở rộng đường cả thành phố luôn đi"

"Cho em xin cầu Bình Tiên để giải quyết đường Tùng Thiện Vương, nguyên khu vực vậy mà chỉ có cầu Chà Và. Sáng, trưa, chiều lúc nào cũng kẹt!" - "Cầu Bình Tiên đợi đến 2050 nhé" - "2050 còn sớm quá 2500 lận các bác"; "Còn chỗ cầu Bình Điền thì sao ngày nào cũng kẹt bao nhiêu năm qua????!"; "Đường Hoàng Hoa Thám , P.13, Q.Tân Bình kẹt xe triền miên. Phường 5 lần 7 lượt thông báo dự kiến khởi công 3 năm nay, giờ không thấy nói gì"; "Hầm chui An Sương sao TP không làm dứt điểm luôn đi"; "Dự án cầu Nguyễn Khoái nối Q.4 và Q.7 hình như đã có cách đây 3 - 4 năm, khi nào mới thực hiện?"; "Đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Lương Định Của sao không làm? Kẹt xe, đường sá xuống cấp trầm trọng, xe tải chạy như bay"...
Những bình luận hài hước nhưng khẩn thiết của bạn đọc cho thấy nhu cầu hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của TP.HCM đang trở thành vấn đề nhức nhối. Mọi khu vực, mọi quận huyện đều có những "điểm đen' ùn tắc ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Nhiều dự án được mong chờ đến nỗi, có bạn đọc còn nửa đùa, nửa thật đề xuất: "TP.HCM giờ đường nào cũng kẹt, thôi mở rộng cả thành phố luôn đi!".
Đáng nói, người dân bực bội vì kẹt xe 1 phần, thì bức xúc vì các dự án giao thông chậm trễ tới 10 phần. Đơn cử, dự án mở rộng cửa ngõ đông bắc TP.HCM (khu vực ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí, QL13) tại Q.Bình Thạnh và Thủ Đức đã được triển khai từ năm 2003, nhưng 16 năm qua vẫn còn “nằm trên giấy”. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa và nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ cũng đã được lập dự án cách đây 14 năm, từ 2005 với tổng mức đầu tư chỉ khoảng gần 600 tỉ đồng. Dự án cầu Bình Tiên (nối Q.6 với Q.8) mà nhiều bạn đọc đề cập phía trên đã chậm gần 10 năm chưa thể triển khai.

Kẹt xe đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM

Đậu Tiến Đạt

Thêm một chiếc xe máy, ùn tắc tăng gấp 10 lần ?

Vội vàng chạy từ cơ quan ở Q.3 về Q.7 đón con gái tan trường, anh Đ.Sơn (ngụ tại H.Nhà Bè) không giữ được bình tĩnh khi phải ken nhau trong dòng xe dày đặc đoạn từ chân cầu Ông Lãnh (phía Q.4) đến đường Khánh Hội. Đoạn đường chưa tới 100 m mà gần 20 phút chưa "thoát" được. "Đường nào cũng kẹt, giờ nào cũng kẹt. Làm việc gì cũng bị ảnh hưởng vì kẹt xe" - anh Sơn bức xúc.
Hay như câu chuyện "cấp cứu thời kẹt xe" của ông T.K.T (ngụ Q.4), ông kể: “Trời nắng nóng chạy xe máy chở bả (bà xã - PV) đằng sau vừa mệt vừa sợ. Bà ấy sốt cao, thỉnh thoảng mệt quá lả đi có bám được vào mình đâu. Tôi vừa lo chạy xe vừa lo giữ người đằng sau, đến khổ”. Hỏi tại sao không gọi taxi chở bác gái đến bệnh viện cho an toàn, ông T. nói thẳng: “Đi xe máy còn luồn lách chạy cho nhanh được chứ đi ô tô, gặp đúng giờ tan tầm kẹt xe, biết chừng nào mới tới được bệnh viện”.
Giao thông đang trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân sống tại TP.HCM. Ra đường gặp kẹt xe, giờ nào, đường nào cũng kẹt...; những than thở về tình hình giao thông thậm chí đang dần thay thế cho lời chào trong mỗi cuộc hẹn.
Theo nhiều chuyên gia, nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao đang dần kéo dài khoảng cách so với khả năng cung ứng của hạ tầng. Giao thông TP.HCM đang bùng phát tới điểm ùn tắc và chỉ cần thêm một lượng nhỏ phương tiện cũng có thể đẩy lên tới mức ùn tắc kinh khủng. Khi đã tiến đến ngưỡng này, tốc độ ùn tắc sẽ tăng rất nhanh theo chiều thẳng đứng, thêm một chiếc xe máy có thể đẩy mức độ ùn tắc lên đến 10 lần trong thực tế, thay vì chỉ tăng 2 - 3 lần theo lý thuyết.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hằng ngày của người dân, ùn tắc đang là "nút thắt" lớn nhất kìm hãm sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế tại TP.HCM, điển hình là giao thương và du lịch. Theo tính toán, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.