UBND TP.Hà Nội khẳng định chỉ định thầu đúng quy định

Vũ Hân
Vũ Hân
27/06/2018 08:02 GMT+7

Liên quan đến việc chỉ định thầu 5 dự án BT, trao đổi thêm với báo chí chiều 26.6, UBND TP.Hà Nội tiếp tục khẳng định đã chỉ định thầu đúng quy trình.

BT là chủ trương để thu hút nguồn lực
Cụ thể, Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội Phạm Quý Tiên khẳng định: TP đã nghiêm túc thực hiện theo Nghị định 15/2015 về đầu tư dự án theo hình thức công - tư (BT), qua đó khẳng định Hà Nội đã làm đúng pháp luật.
Giải thích về việc chỉ định thầu theo hình thức BT trong khi Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư mà Chính phủ vừa ban hành có hiệu lực từ tháng 6.2018 lại không cho phép chỉ định thầu đối với các dự án BT nữa, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết: “Các dự án đã được triển khai trong một quá trình dài và chúng tôi thực hiện đúng theo quy định tại thời điểm”. Theo ông Tuấn, lựa chọn đầu tư theo hình thức BT là một trong những chủ trương của TP nhằm thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển hạ tầng trong khi nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được. Từ năm 2007, Hà Nội đã thực hiện đầu tư một số dự án theo hình thức BT, gần đây nhất có 5 tuyến đường giao thông tại nội đô vừa được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư của TP vào ngày 17.6.
Đính chính về diện tích đất “đổi” cho các nhà đầu tư để lấy 5 con đường với chiều dài khoảng 21,5 km phải gần 700 ha như đã nêu trước đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết diện tích thực tế giao cho các nhà đầu tư là xấp xỉ 270 ha. Lý giải sự khác biệt hơn 400 ha giữa báo cáo của Sở KH-ĐT và Sở TN-MT, ông Nghĩa cho biết con số 700 ha có thể chỉ là “đất để nghiên cứu quy hoạch thôi, chưa thể có diện tích chính thức”.
Về lý do chọn BT thay vì đấu giá đất, theo ông Nghĩa: “Không phải chúng tôi không suy nghĩ đến việc đấu giá, nhưng tính đi tính lại, xoay đi xoay lại, không đơn giản. Thứ nhất là phải giải phóng mặt bằng, thứ hai phải đầu tư hạ tầng, chưa nói đến bộ máy quản lý phục vụ việc đó. Do đó, chúng tôi đã tham mưu cho TP đấu giá chưa hẳn là con đường tích cực nhất”.
ubnd tp.Hà Nội khẳng định  chỉ định thầu đúng quy định
Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội Phạm Quý Tiên

5 dự án chỉ định thầu
Trước đó, Sở KH-ĐT Hà Nội đã có thông tin thêm về 5 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT mới được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Hội nghị Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển ngày 17.6 mà “báo chí đăng tải nhiều thông tin trái chiều”.
Theo đó, 5 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại hội nghị vừa qua là các dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ 2009 - 2015, đã được UBND TP báo cáo và được Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định thầu.
Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens (Q.Hoàng Mai) với chiều dài 2,6 km, chiều rộng nền đường 40 m, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 900 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12.2019. Nhà đầu tư được trả lại 20 ha trên địa bàn các phường: Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở (Q.Hoàng Mai).
Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư Q.Hà Đông với 5 tuyến, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Chủ đầu tư được trả bằng 6 khu đất với tổng diện tích khoảng 70,4 ha tại Dương Nội, khu đô thị Kiến Hưng, khu nhà ở Phú Lãm, khu đô thị Bắc Lãm và khu Trung tâm hành chính Q.Hà Đông.
Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 với chiều dài 1,8 km, tổng vốn đầu tư 1.620 tỉ đồng. Nhà đầu tư được trả lại 5 khu đất với tổng diện tích 54,08 ha.
Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ Cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến ngã tư Vọng với việc xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng chiều dài 3 km; xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở dài 5 km với tổng vốn đầu tư hơn 9.459 tỉ đồng. Nhà đầu tư được khai thác quỹ đất 96 ha tại khu Sài Đồng A (Q.Long Biên) và dự kiến 2 quỹ đất bổ sung (nếu còn thiếu) gồm: 130 ha tại H.Đan Phượng và 291 ha ngoài đê sông Đuống tại Q.Long Biên và H.Gia Lâm để thực hiện sân golf Sông Đuống và các quỹ đất khác do UBND TP xác định.
Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 (Q.Thanh Xuân) với chiều dài 2,85 km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.412 tỉ đồng. Nhà đầu tư sẽ được trả lại bằng 39,8 ha đất thuộc P.Đại Mỗ (Q.Nam Từ Liêm).
Về xác định giá đất, Hà Nội cho biết đã chỉ đạo Sở TN-MT xác định giá trị quỹ đất trên cơ sở so sánh giá của 4 loại hình chuyển dịch quyền sử dụng đất tại khu vực (giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và giá đất theo bảng giá nhân với hệ số điều chỉnh tối đa) để lựa chọn phương án có giá trị cao nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.