Túi tiền của người nghèo khó kham nổi giá thịt mát

05/11/2018 19:01 GMT+7

Điều kiện giết mổ và bảo quản nghiêm ngặt nên thịt mát sẽ khiến người nghèo khó tiếp cận được sản phẩm này nhưng đây sẽ là hành trang tốt để thịt lợn Việt Nam mở đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Chiều nay, 5.11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức tọa đàm về chủ đề: Từ luật Chăn nuôi đến tiêu chuẩn thịt mát, quyền được tiếp cận thực phẩm tươi, ngon, sạch và phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thuỷ sản, cho biết theo tiêu chuẩn quốc gia vừa công bố áp dụng đối với thịt lợn, ngay sau khi giết mổ, thịt phải trải qua quá trình làm mát; phần tâm thịt đảm bảo nhiệt độ 0 - 4 độ C trong thời gian không quá 24 giờ sau giết mổ.
Sản phẩm cắt mảnh, xay hoặc pha lọc thân thịt đã qua quá trình làm mát bảo quản ở nhiệt độ 0 - 4 độ C. Trong quá trình pha lọc và đóng gói, sản phẩm thịt luôn được duy trì ở mức nhiệt độ thấp hơn 7 độ C. Phòng pha lọc và đóng gói có nhiệt độ duy trì dưới 12 độ C.
Cũng theo ông Ninh, quá trình bảo quản này giúp ức chế hoạt động của hệ vi sinh vật trên miếng thịt, vẫn đảm bảo quá trình sinh hóa của thân thịt (chết mềm, tê cứng, chín sinh hóa) diễn ra và đảm bảo miếng thịt tới tay người tiêu dùng ở trạng thái sinh hóa tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Cách thức sản xuất, bảo quản và kinh doanh dạng thịt lợn này đã phổ biến từ lâu và được chuẩn hóa trên thế giới.
Ông Ninh khẳng định, nếu miếng thịt được bảo quản đúng tiêu chuẩn thịt mát thì thời gian sử dụng tối đa lên tới 7 ngày mà vẫn đảm bảo tươi ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, thịt lợn chiếm 70% cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày nhưng thực tế tỷ lệ thịt mát chỉ chiếm 7% cơ cấu tiêu thụ và 93% còn lại vẫn là thịt tươi nóng.
Đối với thịt mát, quy trình giết mổ và bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn chặt chẽ sẽ làm giá thịt tăng cao. Dẫn chứng như thịt lợn trùn quế trong siêu thị hiện đang bán với 170.000 đồng/kg thì sẽ không khuyến khích được người dân tiêu thụ thịt mát.
Giá thịt lợn mát chắc chắc sẽ cao hơn thịt ở chợ truyền thống, vào được siêu thị phải chịu mức chiết khấu cao 20 - 30% khiến giá bị đẩy nên cao nên sẽ có nhiều người tiêu dùng, người nghèo, người dân khu vực nông thôn khó có điều kiện tiếp cận, tiêu thụ thịt mát.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT), cho rằng tiêu chuẩn thịt mát áp dụng cho thịt lợn sẽ từng bước thay đổi thói quen chế biến truyền thống. Một đất nước phát triển bao giờ cũng đưa vào bữa ăn những thực phẩm chất lượng tốt nhất, tiện lợi nhất.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong chương 6, dự thảo luật Chăn nuôi có quy định tiêu chuẩn về giết mổ. Trong đó, quy định cụ thể cả về giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ công nghiệp tập trung phải đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Nhà nước sẽ có những hỗ trợ cụ thể đổi với hình thức giết mổ tập trung để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
Cũng theo ông Dương, tiêu chuẩn thịt mát sẽ là hành trang mở đường để thịt lợn Việt Nam chuẩn bị cho con đường xuất khẩu ra nước ngoài.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.