Từ tháng 7, nhà mạng sẽ chặn “cuộc gọi rác”

Mai Hà
Mai Hà
03/07/2020 06:43 GMT+7

Các thuê bao bị xác định là nguồn phát tán " cuộc gọi rác " sẽ bị nhà mạng khóa chiều gọi đi (nội mạng) lẫn chiều gọi đến (liên mạng).

1 tháng 18 triệu người bị “gọi rác”

Đại diện Cục Viễn thông cho hay, thời gian qua, tình trạng cuộc gọi quấy rối người tiêu dùng (cuộc gọi rác), gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người dân có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, đã xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn - Robocall. Các "cuộc gọi rác" tập trung nhiều nhất vào dịch vụ rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh...
Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong 1 tháng (tháng 3.2020), hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác đang triển khai thí điểm tại Viettel đã phát hiện khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ cuộc gọi rác từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng.
Đây là lý do Cục Viễn thông vừa có Công văn số 2568/CVT-TNTK chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông triển khai ngăn chặn "cuộc gọi rác". Trong đó, tập trung làm rõ cách hiểu về "cuộc gọi rác", giải pháp phân tích dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi để xác định các tiêu chí nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán "cuộc gọi rác", từ đó có biện pháp xác thực thuê bao phát tán "cuộc gọi rác" để ngăn chặn kịp thời.

“Lọc” máy và phản hồi khách hàng

Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông căn cứ quy định của luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dữ liệu về hành vi, đặc điểm cuộc gọi để áp dụng các thuật toán dự đoán, trên hạ tầng dữ liệu lớn (Big Data), học máy (machine learning) đối với tất cả các cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng để xác định thuê bao phát tán "cuộc gọi rác".

Cần chế tài xử phạt nặng

Để dọn "cuộc gọi rác" cũng như sim rác, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của nhà mạng và chế tài xử phạt nặng. Lý do vấn nạn rác viễn thông vẫn tồn tại nhiều năm nay chưa xử lý triệt để được do liên quan đến doanh thu, lợi nhuận của nhà mạng. Vì thế, cần quy định rõ quyền của người dân trong trường hợp bị tấn công làm phiền quá nhiều bằng sim rác, "cuộc gọi rác" như khởi kiện hoặc được đền bù thiệt hại. Chỉ khi đó, những đối tượng phát tán mới sợ và nhà mạng mới quyết tâm làm chặt hơn, xử lý vấn nạn này.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena
Nhà mạng sẽ kết hợp thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định hành vi phát tán "cuộc gọi rác" quấy rối người sử dụng. Sau đó, thực hiện biện pháp ngăn chặn hành vi phát tán "cuộc gọi rác" (khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng). Lộ trình thực hiện từ đầu tháng 7 với Viettel và trước 1.8 với VNPT - VinaPhone và MobiFone, các doanh nghiệp viễn thông còn lại triển khai từ ngày 1.10.
Đại diện Viettel cho biết nhà mạng này đã xây dựng hệ thống ngăn chặn "cuộc gọi rác" và tiến hành thử nghiệm thành công, trên cơ sở đó báo cáo gửi Bộ TT-TT đề xuất các tiêu chí phát hiện "cuộc gọi rác", cách thức, quy trình cụ thể để ngăn chặn các cuộc gọi spam thoại. Viettel sẽ chính thức áp dụng ngăn chặn spam thoại từ tháng 7 này.
Viettel cũng xây dựng các giải pháp tổng đài để kiểm tra thuê bao chủ gọi và các công cụ để phát hiện và chặn lọc các cuộc gọi quốc tế giả mạo, lừa đảo. Nhà mạng này cho biết đã chặn lọc được hàng trăm nghìn cuộc gọi từ quốc tế về, có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.
Trước câu hỏi việc chặn "cuộc gọi rác" có nguy cơ chặn nhầm với các thuê bao thông thường hay không, đại diện một nhà mạng cho hay, việc “đọc” bằng máy không thể đảm bảo chính xác 100%. Vì thế, cần sự phối hợp của người dùng thông qua các tin nhắn phản hồi.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho rằng, để việc chặn "cuộc gọi rác" có hiệu quả, nhà mạng cần sự phối hợp của người dùng, thông qua việc trả lời câu hỏi nhằm xác định đâu là "cuộc gọi rác". Sau mỗi cuộc gọi từ số thuê bao nghi ngờ phát tán "cuộc gọi rác", nhà mạng sẽ gửi đi 1 câu hỏi dưới dạng tin nhắn USSD. Người dùng xác định cuộc gọi vừa đến liệu có chứa nội dung quảng cáo hoặc làm phiền tới họ. Việc cung cấp thông tin sẽ giúp hệ thống chặn lọc tự động của nhà mạng hoạt động ngày càng chuẩn xác. Đáng chú ý, tỷ lệ người dùng phản hồi các nội dung này thường ở mức thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.