Tự tạo cơ hội: Vườn chuối trăm triệu của đôi vợ chồng già

18/04/2016 08:00 GMT+7

Với quyết tâm làm giàu, vợ chồng bà Mạc Thị Tèo (70 tuổi) ở xã Tân Cảnh, H.Đăk Tô (Kon Tum) đã gây dựng vườn chuối 3,5 ha, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Với quyết tâm làm giàu, vợ chồng bà Mạc Thị Tèo (70 tuổi) ở xã Tân Cảnh, H.Đăk Tô (Kon Tum) đã gây dựng vườn chuối 3,5 ha, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Bán chuối cho tư thương- Ảnh: Phạm AnhBán chuối cho tư thương- Ảnh: Phạm Anh
Ai đến thôn 3, xã Tân Cảnh, H.Đăk Tô (Kon Tum) cũng thấy vườn chuối bạt ngàn, rợp bóng mát của vợ chồng bà Tèo. Dẫn khách thăm vườn chuối, bà cho hay trên mảnh đất này khi vợ chồng bà mới về hưu đã trồng 1.500 cây vải. Thế nhưng năm 2009, cơn bão số 9 đã quật tơi tả, vườn vải hoang tàn, chỉ còn trơ gốc.
"Hồi đó, nhà cửa, vườn tược mất sạch, vốn liếng như đổ xuống sông. Vợ chồng tui thất thần, suốt ngày ngơ ngẩn", bà Tèo kể. Tuy nhiên, không "bó tay chịu trói" trước nghịch cảnh, bà và chồng là ông Nguyễn Thanh Đàm động viên nhau tìm cách vực dậy kinh tế gia đình. Nhưng tiền vốn không có, phải tìm loại cây gì mau cho thu hoạch, lấy ngắn nuôi dài? Từ những nghĩ suy ấy, hai vợ chồng bảo nhau: chỉ có cây chuối, trồng dễ, vốn ít, mau thu hồi vốn và bắt tay vào làm.
Thời gian đầu vợ chồng bà Tèo chỉ trồng vài chục gốc chuối, rồi dần nhân giống mở rộng diện tích. Hơn 1 năm sau, vợ chồng bà thu hoạch những buồng chuối đầu tiên.
“Lúc chuối vừa trổ buồng, rất nhiều người buôn vào nhà tìm mua. Từ đấy chúng tôi chọn mối bán ngay tại vườn chứ không phải đem ra chợ bán lẻ”, bà Tèo cho hay.
Vườn chuối khủng
Theo năm tháng, hai vợ chồng bà Tèo trồng chuối thêm ra đầy sân, đầy vườn cho đến bây giờ đã là vườn chuối 3,5 ha. Vào khu vườn như đi vào miền sông nước miền Tây mát rượi, với đủ loại chuối mốc, chuối lùn (hay còn gọi là chuối hương), chuối hột, chuối cau... Hàng chục buồng chuối trái to mập, phải dùng nạng chống đỡ cho khỏi sà xuống đất.
Cười phúc hậu, bà Tèo kể ngày nào bà cũng có chuối bán: không bán chuối chín thì bán hoa chuối, bắp chuối (hay gọi là chuối hàng nàm). Còn nếu bán cho tư thương thì mỗi tháng 2 lần, vào dịp gần ngày rằm, mùng 1 âm lịch. “Họ lái xe tải đến mua, chất lên rồi chở đi. Chuối mình trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trái to, mập, nải đều nên ai cũng thích. Lần nào ít thì bán được trên 4 triệu đồng, còn nhiều thì 5 - 6 triệu đồng. Nhờ chuối mà vợ chồng tôi mới dựng lại được nhà, kinh tế ổn định hơn”, bà Tèo cho biết và bộc bạch: bán chuối sướng nhất là dịp tết. Tư thương các nơi về vườn tranh nhau mua chuối. Dịp này, vợ chồng bà không bán sỉ nữa mà bán lẻ từ 40.000 - 45.000 đồng/nải, thu về 30 - 40 triệu đồng. Đó là chưa kể bán bắp chuối mỗi ngày có thêm trên 100.000 đồng nữa.
Theo bà Tèo, cách trồng chuối khá đơn giản, việc bón phân cũng dễ dàng, nhưng khó nhất là bị bệnh héo rũ Panama, gây vàng lá, thối rễ, khiến chuối chết và lây lan rất nhanh. Bởi vậy, mỗi lần phát hiện cây nào bị bệnh, hai vợ chồng bà phải loại bỏ ngay cây bệnh khỏi vườn để tránh lây lan, rồi trồng vào chỗ đó cây khác để vườn luôn xanh tươi.
Không chỉ trồng chuối, hiện giờ vợ chồng bà Tèo còn trồng thêm 200 gốc sầu riêng, măng tre, 6 sào bơ, chanh, bưởi, cam, quýt, mãng cầu... đem lại thu nhập đáng kể, giúp gia đình bà có thêm nguồn chi tiêu.
Đi trong mảnh vườn sạch sẽ, thoáng mát của vợ chồng bà Tèo, mùi chuối chín thơm thoang thoảng quyện mùi hoa bưởi... bên cạnh dòng kênh nước chảy ngang qua vườn chuối trông rất thanh bình. Ông Đàm bảo, vợ chồng ông sẽ duy trì mãi vườn chuối này, xem nó như cuối đời khởi nghiệp, tự thân lo cho miếng cơm hằng ngày, không dựa vào con cháu hay xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.