Tự tạo cơ hội: Sống khỏe với tranh gạo

13/06/2016 09:35 GMT+7

Từ việc làm cho vui để tặng bạn bè, một cô gái ở tỉnh lẻ đã biến tranh gạo thành một món hàng hóa. Không những kiếm thu nhập cho bản thân cô còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người...

Cô gái đó là Trương Thị Kiều (34 tuổi, trú khóm 5, TT.Hải Lăng, H.Hải Lăng, Quảng Trị), tốt nghiệp ngành kế toán và quản trị kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) nhưng lại nên duyên với tranh gạo... nhờ học lỏm. Kiều kể tranh gạo là cách ghép hàng ngàn hạt gạo trên một mặt phẳng cứng sau đó hút chân không và đóng khung thành tranh. “Hồi sinh viên, tôi đã biết cách làm tranh gạo nên thường mày mò để tặng bạn bè. Vui vẻ vậy thôi, nhưng ai cũng khen...”, Kiều kể.
Ra trường, dù đã cố thử nhưng có vẻ Kiều không hợp với một công việc ở cơ quan nhà nước. Rồi cô lấy chồng và có con. “Khoảng năm 2008, tôi cần một công việc vừa kiếm tiền vừa tạo ra niềm thích thú mà vẫn có thể ở nhà chăm con do ông xã xa nhà triền miên. Và tôi đã nghĩ đến tranh gạo. Tôi nghĩ tại sao mình không làm một ít rồi bán”, Kiều kể.
Hành trang để Kiều bước vào thế giới tranh gạo cũng chẳng có gì nhiều, ngoài đôi tay khéo léo, sự kiên nhẫn là những khung tranh, keo dán và quan trọng nhất vẫn là gạo. Cũng chính vì thứ nguyên liệu này nên về màu sắc, tranh gạo rất hạn chế vì chỉ có đúng 7 màu để sử dụng: trắng toát, trắng mờ, trắng sữa, vàng đục, vàng óng, nâu, đen... “Tôi không dùng phẩm màu hay bất cứ thứ gì để nhuộm gạo mà chỉ dùng gạo rang. Tùy từng loại gạo cùng với kỹ thuật rang sẽ cho ra các màu khác nhau. Nhưng cũng chỉ được chừng ấy màu thôi”, cô cho biết.
Để bắt đầu làm một bức tranh gạo, cô thường vẽ phác họa trước trên mặt gỗ, sau đó chọn những hạt gạo ưng ý để tạo thành những mảng màu. Khi bức tranh đã hoàn thiện, cô phơi khô rồi phủ một lớp sơn bóng lên trên. Cuối cùng là đóng khung trong điều kiện đã hút chân không. Kiều bảo: “Với quy trình như thế, mỗi bức tranh cô có thể hoàn thành trong thời gian 3 - 5 ngày và có thể tồn tại từ 10 - 20 năm”.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu bạn ngồi vào bàn hết ngày này qua ngày khác chỉ để ghép những hạt gạo nhỏ xíu thì thực sự cần một sự kiên trì miệt mài. Ấy thế mà trong ngôi nhà khá chật chội và cũng chính là nhà xưởng này, từ năm 2008 đến nay, Kiều đã cho ra đời hàng ngàn bức tranh gạo với đủ kích thước, đề tài, giá cả (trung bình mỗi bức từ 200.000 đồng đến 3,5 triệu đồng). Theo tính toán của Kiều, mỗi năm cô làm chừng 500 bức, doanh thu ước khoảng 500 triệu đồng, lãi khoảng 200 triệu đồng.
Giờ đây, khi lượng khách đặt hàng ngày mỗi nhiều, một mình Kiều không thể kham nổi và cô đã san sẻ việc làm tranh gạo cho 5, 6 người khác. Họ đến nhà cô mỗi ngày và cũng “sản xuất” tranh, thù lao của họ sẽ được tính bằng 35% giá trị bức tranh. Tất nhiên, không phải ai cũng thành công ngay từ đầu...
Thông tin từ Kiều thì thương hiệu “Tranh gạo Kiều Trân” đã đến được nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở khu vực Hội An, Mỹ Sơn, Huế... Ngoài ra, tranh gạo của Kiều cũng đã xuất sang các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản. Sản phẩm này thực sự có sức hút với du khách nước ngoài. Kiều tự hào đặt slogan cho sản phẩm “Tranh gạo Kiều Trân” của mình là “nghệ thuật từ đồng lúa”.

tin liên quan

Tự tạo cơ hội: Nuôi lươn, chình trên cát
Với lợi thế là vùng biển, có nguồn thủy hải sản tươi phong phú, rẻ... cùng với diện tích vườn rộng, anh Hồ Phú bỏ ra hơn 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống bể nuôi hơn 150 m2 để nuôi lươn và cá chình thương phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.