Tự tạo cơ hội: Ra ngoại ô mở trang trại bò

24/06/2016 08:00 GMT+7

Dù có quán ăn đông khách ở giữa thành phố, nhưng để phát triển kinh tế một cách bền vững và vì đam mê chăn nuôi, ông Võ Hữu Dũng đã ra vùng ngoại ô đầu tư mở trang trại 3 ha nuôi bò thịt.

Ông Dũng (41 tuổi) ở P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum, bộc bạch: “Dựa vào quán bún bò Huế thì cuộc sống gia đình tôi cũng ổn, nhưng lỡ một mai khách không còn mặn mà với quán nữa thì thu nhập hằng ngày bấp bênh”. Vì vậy, dù mở quán nhưng trong đầu ông lúc nào cũng nghĩ đến việc chăn nuôi. Thế là ông lên internet tìm tòi các mô hình chăn nuôi và thấy nuôi bò thịt thích hợp vùng đất bắc Tây nguyên, đầu ra tương đối ổn định, nếu làm giỏi sẽ có thu nhập cao. Ông bàn với vợ, thấy đó là cách phát triển kinh tế hợp lý, lại thỏa mãn đam mê của chồng, nên vợ ông đồng ý ngay.
Những ngày sau đó, ông Dũng đi tìm đất và chọn vùng đất ở xã Đăk Rơ Wa, ngoại ô TP.Kon Tum để làm. Đất này làm chuồng trại thông thoáng, nguồn thức ăn đảm bảo, lại sát bờ sông Đăk Bla nguồn nước dồi dào quanh năm. Vùng này còn ở xa khu dân cư, xa các trang trại khác, rất đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh những dịch bệnh gia súc. Sau khi thuê đất và mua đất xong, ông Dũng đào giếng, xây dựng chuồng trại. "Ban đầu tôi dự kiến quy mô chăn nuôi là 40 con bò. Thế nhưng, bò nuôi thịt sẽ sinh sản thêm nên tôi quyết định mở rộng quy mô lên 150 con", ông Dũng kể. Rồi hệ thống biogas, máng ăn, thoát nước quy mô, bài bản và hợp lý lần lượt được ông Dũng xây dựng lên.
Trang trại hình thành cũng là lúc ông Dũng lựa chọn mua cám dinh dưỡng, mua rơm dự trữ thức ăn mùa khô hanh, tìm hiểu các căn bệnh từ bò và tự thân tiêm chích cho đàn bò khi phát hiện bệnh. Ban đầu, ông tự trồng 7.000 m2 cỏ voi để làm thức ăn hằng ngày cho bò. Sau khi tính toán thấy ngần ấy cỏ voi không đủ, ông trồng thêm 10.000 m2 nữa. Thế là khâu vệ sinh, thức ăn đã càng lúc càng ổn định, đàn bò đã sinh trưởng và phát triển tốt. Tiếp đó, ông Dũng cải tạo đất, làm giàn để trồng 1 ha chanh dây, 7 sào bắp (1.000 m2/sào). "Hiện tại chanh dây chuẩn bị cho thu nhập khoảng 70 - 80 tấn, còn bắp đã đem lại hơn 20 triệu đồng/vụ. Nhờ số tiền đó, cùng với việc buôn bán, tui cũng trang trải được phần nào trong kế hoạch sản xuất lấy ngắn nuôi dài", ông Dũng cho hay.
Những ngày đầu chăn nuôi, vì chưa có kinh nghiệm nên trong năm 2015 có đến 4 con bò cái sẩy thai. Tiếc của, ông chủ trang trại này đã tự nghiên cứu, liên hệ nhờ bên thú y TP.Kon Tum hỗ trợ nên sau này chuyện bò sẩy thai đã không xảy ra nữa.
Hôm chúng tôi đến thăm, ông Dũng chỉ đàn khoảng 10 con bê lai xinh xinh khỏe mạnh trong chuồng, bảo đó là lứa đẻ thành công đầu tiên và đang hứa hẹn hàng chục con khác chuẩn bị ra đời nữa, quy mô trang trại rồi cũng không dừng lại như bây giờ. Theo tính toán, một con bê lai nếu thời điểm thuận lợi sẽ bán được khoảng chục triệu đồng, nếu là bê cái giá bán sẽ còn cao hơn.
Đi thăm chuồng trại chăn nuôi, chúng tôi thấy rất ít ruồi muỗi, bởi chủ nhân đã xử lý triệt để, rất sạch sẽ. Ông Dũng cho hay, ngày xuất bò thịt chỉ nay mai thôi và đã tìm được đầu ra. "Mình hoàn toàn không lo gì vấn đề này. Trước mắt là chăm bò sinh sản tốt, chừng 1 năm nữa, khi những con bê phát triển tốt, lớn nhanh, sẽ có đầu ra ổn định", ông Dũng tự tin nói. Hướng đi sắp tới, ông Dũng cho hay sẽ mua thêm giống, phát triển thêm đàn bò cả về số lượng lẫn chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.