Tự hào doanh nhân Việt

13/10/2020 06:16 GMT+7

Đó là chia sẻ và nhận định của tất cả chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Doanh nhân giữ vai trò nòng cốt

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định hơn 3 thập kỷ qua, đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân Việt Nam đã phát triển bùng nổ, rất đáng tự hào. Tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy, đất nước đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi, chịu sào gần 800.000 DN, khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh.
Qua đại dịch, các doanh nhân, DN Việt Nam thể hiện mình không chỉ xuất sắc đảm đương nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn hoàn thành rất tốt trách nhiệm với xã hội và cộng đồng
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Họ là lực lượng chủ công, xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập. Đặc biệt những tháng ngày qua, Việt Nam và thế giới đang trải qua cơn đại dịch thế kỷ mang tên Covid-19, các DN bị tác động rất nặng nề. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và sự phấn đấu kiên cường của đội ngũ doanh nhân, chúng ta đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép: khống chế được dịch bệnh, đồng thời duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân. Chúng ta đặc biệt trân trọng các doanh nhân trong khó khăn đã không buông bỏ, chịu lỗ, hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để duy trì hoạt động, lo việc làm cho người lao động. Họ xứng đáng là những dũng sĩ, những anh hùng thời nay.

Các doanh nghiệp Việt đã nỗ lực để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra

ẢNH: NGỌC THẮNG - CÔNG HÂN

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đánh giá: Qua đại dịch Covid-19, DN Việt Nam thật sự nổi bật nhờ sức chịu đựng, sự linh hoạt, nhạy bén và năng động.
Cộng đồng DN chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 là những DN chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Nhóm này đã rất nỗ lực tìm kiếm mọi cách để tồn tại, chống chọi với đại dịch, không bị phá sản hay gãy đổ hoàn toàn. Khi thị trường bắt đầu tươi sáng, có nhiều điều kiện tích cực như giai đoạn này, DN nhanh chóng “sống” trở lại, bắt kịp nhịp độ khôi phục, hy vọng để vươn lên trong giai đoạn tới. Nhóm thứ 2 là những DN “may mắn hơn”, thuộc một số ngành chịu tác động ít hơn từ dịch như ngành công nghiệp chế biến, một số lĩnh vực công nghệ thông tin. Không phải chật vật “giữ tính mạng” như nhóm 1, các DN ở nhóm 2 nhanh chóng tận dụng thời cơ để duy trì sự phát triển gắn với đó là câu chuyện tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, cải tiến đầu vào, đầu ra, đổi mới công nghệ...
“Sự nhạy bén và thích nghi trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của DN Việt Nam rất tốt. Đội ngũ DN Việt Nam tuy còn mỏng, chưa thật sự lớn mạnh, năng lực tài chính nhìn chung còn yếu nhưng tinh thần kinh doanh, vươn lên để phát triển, rất đáng khen ngợi, đáng nể phục. Đại dịch vừa rồi có “nguy” nhưng cũng mở ra cơ hội cho các DN phát triển trong giai đoạn tới”, ông Lịch khẳng định và nói tiếp: “Qua đại dịch, các doanh nhân, DN Việt Nam thể hiện mình không chỉ xuất sắc đảm đương nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn hoàn thành rất tốt trách nhiệm với xã hội và cộng đồng”.

Đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ doanh nghiệp

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cũng thừa nhận qua đại dịch Covid-19, bài học lớn nhất là giữ sức sống và niềm tin của DN. DN Việt Nam chủ động, luôn luôn tự chống đỡ, chèo lái để vượt qua khó khăn, không chờ mong một sự cứu giúp to lớn từ bên ngoài, đặc biệt từ phía Chính phủ. Tuy nhiên về mặt Chính phủ, cần có động thái hoặc nghĩa cử thể hiện mình đang đồng hành cùng DN, để họ có thể duy trì niềm tin và sức sống. Giai đoạn vừa qua, các chính sách hỗ trợ đến tay DN quá chậm, thậm chí không tới được những nơi cần tới, không cứu được những bộ phận DN cần cứu. Nếu không nhanh chóng điều chỉnh, xử lý, sẽ có những đổ vỡ lớn, tạo ra vấn đề về niềm tin trong DN. Chưa kể trong tương lai sẽ còn nhiều thách thức lớn hơn nữa trên phương diện cạnh tranh quốc tế. Chỉ khi giữ được 2 yếu tố là sức sống và niềm tin của DN, Chính phủ mới tận dụng được các cơ hội sau khi chúng ta vượt qua Covid-19. Còn nếu không, ngay cả khi cơ hội đến, DN hoặc không đủ sức để chớp lấy cơ hội, hoặc là không đủ niềm tin để “tung” các nguồn lực, năng lực đón cơ hội một cách trọn vẹn.
Ở góc nhìn khác, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Chúng ta vui mừng vì đã có một cộng đồng doanh nhân, DN phát triển nhanh, nhưng cũng chưa thể hài lòng vì cộng đồng DN Việt tuy đông nhưng còn chưa đủ mạnh. Việt Nam đã có những tỉ phú đầu tiên và không ít thương hiệu Việt được thế giới biết đến, nhưng chúng ta chưa có được một thế hệ các nhà DN và thương hiệu sánh vai với các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực.
Số làm công nghiệp - công nghệ “Make in Viet Nam”, “Make by Viet Nam” chưa nhiều; Tuyệt đại bộ phận DN Việt có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; Nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của nhiều DN chưa cao; Hộ kinh doanh cá thể vẫn chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế... Hiện nay, những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tác động của những công cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP, EVFTA... đang đòi hỏi cấu trúc chiến lược và quản trị của cộng đồng DN phải thay đổi. Các DN dù ở quy mô nào đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bao trùm và kinh doanh có trách nhiệm hơn.
Thế giới của hôm nay sẽ không còn là thế giới của hôm qua. Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ DN.
Để cộng đồng DN tiếp tục lớn mạnh, ngoài các chính sách để cho sự phát triển của DN, rất cần có chủ trương chính sách đối với sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể - một bộ phận quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tư nhân, chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, nơi sinh kế của hàng chục triệu gia đình, nơi tạo ra hơn 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh ở nước ta. Xét về bản chất, đây chính là khu vực DN siêu nhỏ trong nền kinh tế, nên cũng cần được đối xử bình đẳng, minh bạch, và được hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp gặp khó khăn được hỗ trợ 6 triệu đồng/lao động để đào tạo nghề

Đây là quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vừa được Bộ LĐ-TB-XH ban hành.
Theo nghị định, DN được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn trong các trường hợp bất khả kháng gồm: hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh… Điều kiện để nhận được hỗ trợ là DN phải đóng đủ BHTN liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, DN được hỗ trợ đào tạo nghề phải gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với DN sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với DN sử dụng từ 200 - 1.000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với DN sử dụng trên 1.000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới một tháng.
DN bị thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng trong trường hợp bất khả kháng phải có xác nhận của chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi DN bị thiệt hại. Kinh phí hỗ trợ trích từ Quỹ BHTN, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.
Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/khóa học 6 tháng thì phần vượt quá mức hỗ trợ do DN tự chi trả.
T.Hằng

 Ý kiến

Tận dụng cơ hội, đánh nhanh thắng nhanh

Những ngày đầu năm khi thông tin về dịch Covid-19 xảy ra ở Vũ Hán (Trung Quốc) chưa lan rộng, tôi đã có suy nghĩ cần đánh nhanh thắng nhanh. Khi đó, ngoài số lượng khách hàng mua như thông thường thì cả công ty lao vào chủ động thuyết phục khách mua nhiều hơn.
Thay vì làm việc 8 - 9 giờ như bình thường, công ty phải làm việc có ngày lên đến 14 - 15 giờ. Kết quả doanh số của Phúc Sinh trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 140% so với cùng kỳ năm 2019 và đã tạo ra được “lương khô” cho những tháng sau đó. Khó khăn bắt đầu gia tăng nhưng kể từ tháng 5, giá cà phê và tiêu gia tăng mạnh khi nguồn cung sụt giảm khiến khách hàng lo mua để dự trữ.
Điều đó giúp cho Phúc Sinh tiếp tục bán được hàng sau thời gian chững lại. Kể từ tháng 7 khi các nước châu Âu, Mỹ dần dần mở cửa hoạt động trở lại khiến công ty cũng gia tăng doanh số… Kết quả sau 9 tháng năm 2020, Phúc Sinh Group vẫn tăng được 5% doanh thu và giữ nguyên được đội ngũ 400 nhân viên. Đây là “điều hạnh phúc” trong giai đoạn Covid-19.
Ông Phan Minh Thông (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group)

Linh động chuyển hướng để vượt bão

Ngay từ khi dịch bệnh diễn ra ở Trung Quốc, những thị trường chính của Vina T&T là Mỹ, Úc, Canada chưa ảnh hưởng nhiều, chúng tôi đã dự báo một cơn bão lớn sắp ập tới và đã tự điều tiết nhịp độ sản xuất để tránh dịch. Đồng thời, ngay lập tức tìm hiểu nhu cầu thị trường để linh động, bắt đầu chuyển hướng, sắp xếp, quản trị lại tất cả hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi bắt đầu chuyển sang làm thương mại các sản phẩm y tế như khẩu trang, găng tay; Lập thêm các chuỗi cà phê, chuỗi cửa hàng trái cây trong nước vì đánh giá đây là thời điểm dễ dàng thương lượng được giá mặt bằng tốt.
Bên cạnh đó, nhận thấy trái cây tươi xuất khẩu là một trong những nhu yếu phẩm, cho dù dịch bệnh kéo dài thì đây cũng sẽ là mặt hàng mà các nước bắt buộc phải nhập khẩu, chúng tôi đặt mục tiêu dù thế nào cũng phải duy trì sản xuất để đón đầu các nguồn dịch. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, khi DN các nước nối lại mạch liên kết, khi các DN khác đã đuối sức, ngưng hoạt động để bảo toàn “tính mạng” thì khách hàng của họ sẽ chuyển hướng, tìm tới mình đầu tiên.
Với chiến lược như vậy, Vina T&T giữ sức và phục hồi khá nhanh. Chỉ 3 tuần sau khi các hoạt động xuất khẩu được mở cửa trở lại, sản lượng xuất khẩu của công ty đã phục hồi khoảng 90%. Gần như tất cả mặt hàng trái cây vào các thị trường đã “chạy” trở lại bình thường. Một số mặt hàng về thiết bị y tế tiếp tục duy trì.
Ông Nguyễn Đình Tùng (CEO Vina T&T Group)

Biệt đội “phản ứng nhanh” vào cuộc

Đứng trước bối cảnh đầy bất ổn do ảnh hưởng Covid-19, FPT đã triển khai hàng loạt biện pháp để “chiến đấu” nhằm duy trì kinh doanh và vận hành liền mạch. Biệt đội “phản ứng nhanh” liên tục đưa ra những thử nghiệm theo tháng, thậm chí theo tuần để thấy được hiệu quả ngay trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
FPT đã tái cấu trúc quy trình kinh doanh, đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Các chi phí thừa bị cắt giảm, tài sản được biến thành tài chính, các tác vụ vận hành được tự động hóa để hỗ trợ nhân sự, tối ưu chi phí. Việc tăng tốc chuyển đổi số nội bộ với các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 đã giúp tập đoàn cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm đến 30 - 70%, thậm chí 90% thời gian cho các quy trình... Nhờ vậy trong 8 tháng năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của FPT lần lượt tăng 7,6% và 11,7%.
Cũng như tất cả DN trên thế giới, các công ty Việt Nam đang phải đối diện với những vấn đề nghiêm trọng như sụt giảm doanh thu, cạn kiệt nguồn vốn… Nhưng “trong nguy có cơ”, Covid-19 khiến nhiều DN phát huy sự linh hoạt cùng tiềm lực nội tại mạnh mẽ. Đây là cơ hội tốt để các DN rà soát và khắc phục các điểm yếu trong nội tại hoạt động của mình.
Đặc biệt, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, sự bùng nổ các nhu cầu về cơ sở hạ tầng đám mây, xu hướng học tập và làm việc từ xa, tự động hóa các tác vụ vận hành sẽ tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Khoa (Tổng giám đốc Tập đoàn FPT)

Phép thử về nội lực và khả năng thích nghi

Khi đại dịch diễn ra, một mặt, chúng tôi cải tiến quy trình vận hành, giúp tối ưu hóa chi phí và bộ máy; mặt khác, chúng tôi tận dụng khả năng công nghệ tốt của mình để tung ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới của thị trường. beGroup là ứng dụng gọi xe đầu tiên ra đời sản phẩm “be Đi Chợ” ngay trong mùa dịch, giúp khách hàng có thể ở nhà thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội nhưng vẫn mua được nhu yếu phẩm hằng ngày nhờ các tài xế “be”.
Song song, chúng tôi tích hợp với 3 ví điện tử phổ biến để giúp khách hàng và tài xế có thể giao dịch không tiền mặt, vừa đảm bảo an toàn mùa dịch, vừa đi đúng xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh. Bên cạnh đó, beGroup và các bác tài cũng thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch để có chuyến xe an toàn. Nhờ đó, beGroup có khả năng phục hồi nhanh hơn những start-up khác và là công ty đầu tiên trên thị trường gọi xe công nghệ đạt điểm hòa vốn ngay trong năm thứ hai hoạt động (giai đoạn dịch), tiến đến có lãi vào 2021.
Giai đoạn sắp tới, ngoài chuyện kinh doanh để tạo ra những giá trị về mặt tài chính, chúng tôi còn muốn đưa chuyển đổi số, đưa công nghệ vào để giải quyết bài toán giao thông ở Việt Nam hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Tôi cho rằng đây là một hướng đi đúng đắn trong giai đoạn hậu Covid. Nhìn lại thị trường và bản thân câu chuyện kinh doanh của “be”, tôi tin Covid-19 chính là phép thử nghiêm túc về nội lực và khả năng thích nghi của DN.
Nguyễn Hoàng Phương (CEO Công ty cổ phần beGroup)

Thích ứng nhanh vẫn có thể vươn lên

Đại dịch Covid-19 là một thách thức rất lớn đối với kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến hầu hết các tổ chức DN cũng như cá nhân. Những tác động của nó có thể sẽ tạo ra những xu thế dẫn đến việc thiết lập một trật tự mới, phương thức làm việc cũng như thói quen tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi toàn diện, những quy luật trước đây được xem là bất biến trong kinh doanh nay cũng đã thay đổi nhanh chóng, thị trường khó khăn hơn về điều kiện kinh doanh và nguồn vốn, ngay cả những DN có bề dày lịch sử nếu không kịp thích ứng vẫn có thể phá sản hoặc rơi vào trạng thái mất kiểm soát.
Nhưng ngược lại những DN, cá nhân thích ứng nhanh hơn vẫn có thể vươn lên chiếm lĩnh những cơ hội mới. Việt Nam nói chung và các DN bất động sản nói riêng hiển nhiên sẽ không thể thoát khỏi vòng xoáy của những tác động này. Đây là thời điểm mỗi DN cần phải nhìn nhận lại mình, năng động hơn, nhạy bén hơn để tìm hướng đi phù hợp nhằm vươn lên, phát triển và tái khẳng định giá trị trên thị trường.
Đại dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội cho chúng tôi lắng lại để tái cấu trúc toàn diện tập đoàn, tiến hành chuyển đổi số và xây dựng nền tảng kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Chúng tôi hy vọng đây là cầu nối để các DN và thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng phát triển và minh bạch.
Ông Nguyễn Đình Trung (Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.